Liên kết website

Thông tư số 20/2010/TT-BLĐTBXH quy định về cộng tác viên thanh tra dạy nghề và hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề

01/01/0001

Ngày 26/7/2010, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 20/2010/TT-BLĐTBXH quy định về cộng tác viên thanh tra dạy nghề và hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. 
 Theo đó, cộng tác viên thanh tra dạy nghề; cơ sở dạy nghề; cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương và địa phương phải thực hiện những quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận, nhiệm vụ, quyền hạn, những việc không được làm, chế độ, trưng tập và quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề và hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (sau đây gọi tắt là cơ sở dạy nghề).

 

Về tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra dạy nghề: ngoài các tiêu chuẩn được quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2006/NĐ-CP, cộng tác viên thanh tra dạy nghề còn phải là cán bộ, giáo viên của cơ sở dạy nghề, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực dạy nghề và đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra dạy nghề.

            Về nhiệm vụ, quyền hạn: Cộng tác viên thanh tra dạy nghề tham mưu, giúp người đứng đầu cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tự thanh tra, kiểm tra tại nơi đang công tác và chấp hành quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra trong thời gian được trưng tập.

            Về chế độ: trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, cộng tác viên thanh tra dạy nghề được hưởng các chế độ quy định tại Điều 19 Chương III Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.

            Về quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề: Tổng cục dạy nghề có trách nhiệm xây dựng, quản lý mạng lưới, bồi dưỡng nghiệp vụ và thực hiện chính sách, chế độ đối với cộng tác viên thanh tra dạy nghề theo quy định của pháp luật.

            Ngoài ra, căn cứ yêu cầu, điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ sở dạy nghề có thể quyết định tự thanh tra, kiểm tra theo phương thức thành lập Đoàn thanh tra, Đoàn kiểm tra nội bộ hoặc cử cán bộ thanh tra, kiểm tra độc lập theo các hình thức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất với các nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo nghề.

            Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề, người đứng đầu cơ sở dạy nghề có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch tự thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện. Xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý. Đồng thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích được phát hiện thông qua hoạt động tự thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

            Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Các tin đã đưa ngày: