Theo đó, điều kiện tiếp nhận lưu học sinh có 03 điều kiện đó là: về học vấn, chuyên môn: Lưu học sinh vào học chương trình trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Ngoài ra lưu học sinh vào học tập tại Việt Nam phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định, nếu chưa đủ trình độ tiếng Việt để học chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì phải học dự bị tiếng Việt. Đối với lưu học sinh học ngành năng khiếu còn phải đạt các yêu cầu của các kỳ thi hoặc kiểm tra về năng khiếu theo quy định của cơ sở tiếp nhận. Về sức khỏe và tuổi, lưu học sinh phải đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam, điều kiện về tuổi đối với lưu học sinh Hiệp định thực hiện theo các Hiệp định, Thỏa thuận của Việt Nam ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, không hạn chế tuổi đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc. Về hồ sơ, lưu học sinh nộp 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh gồm các giấy tờ được quy định cụ thể tại Thông tư.
Thông tư cũng quy định lưu học sinh học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được miễn áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra quy định đối với công dân Việt Nam học các chương trình đào tạo tương ứng giảng dạy bằng tiếng Việt. Lưu học sinh học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được miễn học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và được lựa chọn học môn học thay thế bao gồm: tiếng Việt nâng cao, Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam hoặc các môn tự chọn khác do thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục. Về kinh phí đào tạo, đối với lưu học sinh Hiệp định, tiêu chuẩn, chế độ, suất chi đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và Hiệp định, thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo; đối với lưu học sinh học bổng, kinh phí đào tạo thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo ký kết giữa tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng hoặc cá nhân lưu học sinh với cơ sở giáo dục; đối với lưu học sinh tự túc¸mức học phí được thực hiện theo hợp đồng đào tạo ký kết giữa cơ sở giáo dục với lưu học sinh, lưu học sinh chịu mọi chi phí phát sinh khác trong quá trình học tập tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh, theo đó, lưu học sinh được đối xử bình đẳng như đối với công dân Việt Nam, được cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ học tập phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục và cơ sở phục vụ lưu học sinh, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của cơ sở giáo dục và cơ sở phục vụ lưu học sinh, được thi, kiểm tra, bảo vệ khóa luận, đồ án, luận án tốt nghiệp, nhận chứng chỉ, bằng tốt nghiệp, được về nước nghỉ hè, nghỉ lễ, được mời thân nhân đến thăm theo quy định của Việt Nam; được nghỉ phép, nghỉ ốm hoặc nghỉ để chữa bệnh khi có sự đồng ý của cơ sở giáo dục…. Mặt khác, lưu học sinh có trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán Việt Nam, thực hiện Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, quy chế đào tạo, điều lệ nhà trường đối với từng cấp học và trình độ đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành; quy chế, nội quy học tập, sinh hoạt do cơ sở giáo dục, cơ sở phục vụ lưu học sinh quy định, giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở giáo dục, cơ sở phục vụ lưu học sinh…
Ngoài ra, Thông tư quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó, Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với Cục Đào tạo với nước ngoài và các đơn vị liên quan chuẩn bị và hoàn thành các thủ tục ký kết Hiệp định, thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài vào Việt Nam học tập. Cơ sở tiếp nhận đào tạo, phục vụ lưu học sinh chịu trách nhiệm quản lý lưu học sinh trong toàn bộ thời gian lưu học sinh học tập, sinh sống ở Việt Nam; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các việc liên quan đến lưu học sinh trong thời gian học tập, sinh sống tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 4 năm 2014 và thay thế Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công tác người nước ngoài học tại Việt Nam.