Liên kết website

Thông tư số 07/2010/TT-BVHTTDL quy định nội dung quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao

01/01/0001

Ngày 28/7/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BVHTTDL quy định nội dung quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010.
 Theo đó, Thông tư quy định nội dung chuyên môn cổ vũ hoạt động thể thao của các hội cổ động viên được thành lập theo quy định của pháp luật về hội và các hội, câu lạc bộ cổ động viên do câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, cơ quan chủ quản của đội, đoàn thể thao thành lập; phân cấp trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao đối với hội cổ động viên thể thao.

 

Ngoài việc tổ chức và hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật, điều lệ hoạt động của hội, Hội cổ động viên thể thao có trách nhiệm xây dựng và quy định chặt chẽ việc gia nhập và khai trừ hội viên. Không kết nạp hoặc khai trừ ngay những hội viên quá khích, thiếu văn hoá trong cổ vũ thể thao; hướng dẫn hoạt động cổ vũ thể thao cho hội viên. Trường hợp cổ vũ trên sân khách, Hội cổ động viên có trách nhiệm thông báo trước cho Ban tổ chức giải về số lượng, thành phần cổ động viên tham gia cổ vũ chậm nhất là 03 ngày trước ngày diễn ra hoạt động thể thao; đề xuất với các cơ quan liên quan xem xét, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, tài liệu chuyên môn, vé, trang phục, dụng cụ cổ vũ, phương tiện đi lại và các điều kiện khác.

            Để trở thành Hội viên hội cổ động viên thể thao, các cá nhân phải có lý lịch rõ ràng, đủ tiêu chuẩn là hội viên theo quy định của hội, tự nguyện xin gia nhập hội, cam kết thực hiện đầy đủ nội quy cổ vũ thể thao của hội, không vi phạm pháp luật, không thực hiện hành vi bạo lực, thiếu văn hoá trong cổ vũ. Thẩm quyền, thủ tục kết nạp và khai trừ hội viên do hội quy định. Là thành viên của hội cổ động viên thể thao, các hội viên có quyền được tham gia hoạt động cổ vũ theo kế hoạch của hội; được hội xem xét hỗ trợ về vé, trang phục, dụng cụ cổ vũ, phương tiện đi lại và các điều kiện khác.

            Bên cạnh đó, Thông tư cũng phân công và chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành trong quản lý Hội. Tổng cục Thể dục thể thao là cơ quan  tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý hội cổ động viên thể thao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao theo hướng dẫn của Tổng cục Thể dục thể thao. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: hướng dẫn, hỗ trợ hội cổ động viên thành lập, hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật; tạo điều kiện để hội tham gia vào quá trình xã hội hoá thể dục thể thao ở địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động cổ vũ thể thao theo quy định của pháp luật. Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao chỉ đạo các tổ chức thành viên hướng dẫn và tạo điều kiện để hội cổ động viên hoạt động; hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động chuyên môn đối với hội cổ động viên môn thể thao cấp quốc gia; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động cổ vũ thể thao theo quy định của Điều lệ giải. Các cơ quan chủ quản đội, đoàn thể thao cần: xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, phương tiện và các điều kiện khác để hội cổ động viên cổ vũ cho đội thể thao; phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cổ vũ của hội tại các địa điểm thi đấu; chịu trách nhiệm về hoạt động của hội cổ động viên do mình thành lập hoặc thừa nhận.
Các tin đã đưa ngày: