Đối tượng thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đối tượng thanh tra ngân hàng được quy định tại Điều 52 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng; doanh nghiệp nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nghĩa vụ chấp hành các quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Đối tượng giám sát của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng bao gồm: Đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 56 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng phải thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán một, một số hoặc tất cả các nội dung về tổ chức, hoạt động, tài chính khi xét thấy cần thiết trong các trường hợp: Tổ chức tín dụng có nguy cơ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng được xem xét để chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cần được đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ để làm cơ sở áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức tín dụng được tổ chức lại theo quy định tại Điều 153 Luật Các tổ chức tín dụng; công ty con, công ty liên kết, đơn vị trực thuộc của tổ chức tín dụng có dấu hiệu ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của tổ chức tín dụng; đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng thuộc diện yếu kém cần phải xử lý, cơ cấu lại; đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và mức độ an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng để làm cơ sở áp dụng các biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn; trường hợp nội dung thanh tra, giám sát vượt quá khả năng thực hiện của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.
Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng là cơ quan thanh tra nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) được thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Trong đó, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc NHNN; Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chức năng chung của 02 cơ quan này là giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra hành chính; thanh tra, giám sát ngân hàng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố đối với các đối tượng quản lý, thanh tra và giám sát ngân hàng theo quy định pháp luật và theo sự phân công của Thống đốc NHNN.
Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định này là quy định thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng tiến hành không quá 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài tới 70 ngày; nếu cần kéo dài thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra trên 70 ngày, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng báo cáo để Thống đốc NHNN trình Thủ tướng quyết định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014 và thay thế Nghị định số 91/1999/NĐ-CP ngày 04/09/1999.