Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Theo đó, vũ khí hóa học bao gồm một, hai hoặc tất cả các loại: hóa chất độc và tiền chất của chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị Công ước cấm vũ khí hóa học cấm với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó; đạn dược và trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để sử dụng các độc tính của các hóa chất độc và tiền chất trên nhằm gây tử vong hoặc các tác hại khác; bất kỳ loại trang thiết bị nào được thiết kế đặc biệt để dùng trực tiếp các loại đạn dược và thiết bị được quy định ở trên.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học trong phạm vi cả nước. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công Thương thực hiện các nội dung: ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học; cấp, đình chỉ, thu hồi theo thẩm quyền Giấy phép sản xuất, chế, biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; quản lý việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động này tại các cơ sở hóa chất thuộc phạm vi quản lý của mình...
Cũng theo Nghị định, trường hợp thay đổi hóa chất được sử dụng làm chất chống bạo loạn thì cơ quan nhà nước liên quan đến việc quản lý, sử dụng chất chống bạo loại phải thông báo với Cơ quan Quốc gia Việt Nam về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học (sau đây gọi tắt là Cơ quan Quốc gia Việt Nam) đối với hóa chất được thay thế, gồm: Tên hóa chất (tên gọi theo IUPAC, tên thương mại hay tên gọi thông thường); công thức hóa học và số CAS. Thông báo này phải gửi đến Cơ quan Quốc gia Việt Nam trước 30 ngày, kể từ ngày hóa chất chính thức được sử dụng làm chất chống bạo loạn. Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học các nội dung quy định nói trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.