Liên kết website

Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/05/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ

12/06/2014

Ngày 15/5/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. 

 

Theo đó, Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ được áp dụng đối với đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học (bao gồm cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng), học viện được giao nhiệm vụ hoặc được phép đào tạo trình độ thạc sĩ; các tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ; Quy chế này không áp dụng đối với cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài và chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài, do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng.

Thông tư quy định đào tạo trình độ thạc sĩ có thời gian từ 01 - 02 năm học; thời gian tối thiểu 01 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 05 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên; thời gian từ 1,5 - 02 năm học áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.

Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức tối đa 02 lần/năm và thực hiện theo phương thức thi tuyển đối với người Việt Nam; xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam; các quy định của cơ sở đào tạo về phương thức tuyển sinh, số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh trong năm và địa điểm tổ chức tuyển sinh phải được đăng trên trang thông tin điện tử (website) của cơ sở đào tạo.

Thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ bao gồm 03 môn thi: môn ngoại ngữ và 02 môn thi khác do thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định, nhưng trong đó phải có 01 môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo, được xác định theo yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Riêng đối với ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, cơ sở sở đào tạo có thể thay môn thi không chủ chốt bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp với yêu cầu của ngành, chuyên ngành.

Cũng theo Thông tư này, các đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ bao gồm: Người có thời gian công tác liên tục từ 02 năm trở lên tại các địa phương là Khu vực 1 theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sĩ; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 02 năm trở lên ở địa phương thuộc Khu vực 1; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận bị dị dạng, di tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập. Các đối tượng này sẽ được cộng vào kết quả thi 10 điểm cho môn ngoại ngữ (thang điểm 100) nếu không thuộc diện miễn thi ngoại ngữ và cộng 01 điểm (thang điểm 10) cho 01 trong 02 môn thi còn lại nếu thuộc diện miễn thi ngoại ngữ.

Khi tổ chức thi tuyển sinh thì các môn thi được tổ chức trong các ngày thi liên tục. Lịch thi cụ thể của kỳ thi phải đưa vào nội dung thông báo tuyển sinh; khu vực thi phải được bố trí tương đối độc lập, an toàn, yên tĩnh; phải đảm bảo tối thiểu 02 giám thị/ tối đa 30 thí sinh; khoảng cách giữa hai thí sinh liền kề nhau trong phòng thi phải từ 1,2m trở lên. Khi tiến hành chấm thi không thực hiện việc làm tròn điểm trong kỳ thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ; thí sinh  thuộc diện xét trúng tuyển phải đạt 50% của thang điểm đối với mỗi môn thi, kiểm tra (sau khi đã cộng điểm ưu tiên, nếu có).

Tr­ường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm hai môn thi, kiểm tra nêu trên (đã cộng cả điểm ưu tiên, nếu có) thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: thí sinh là nữ ưu tiên theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; người có điểm cao hơn của môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành; người được miễn thi ngoại ngữ hoặc người có điểm cao hơn của môn ngoại ngữ; công dân nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam được thủ trưởng cơ sở đào tạo căn cứ vào ngành đào tạo, kết quả học tập ở trình độ đại học; trình độ ngôn ngữ theo yêu cầu của chương trình đào tạo và trình độ tiếng Việt để xét tuyển…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014 và thay thế Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/02/2011.

Các tin đã đưa ngày: