Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục và hồ sơ xin chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quản lý việc sử dụng, vận hành và khai thác nhà ở quỹ xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án; quản lý chất lượng, khai thác và quản lý sử dụng nhà ở xã hội do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng.
Đối với phát triển nhà ở xã hội theo Dự án, về tiêu chuẩn thiết kế, trường hợp dự án được đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ vốn ngân sách nhà nước tại khu vực đô thị (có vốn ngân sách chiếm từ 30% tổng mức đầu tư của dự án trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và các khoản chi phí hỗ trợ hạ tầng) thì tiêu chuẩn thiết kế được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 47 của Luật Nhà ở. Tại các khu vực khác không phải là đô thị thì có thể xây dựng nhà ở riêng lẻ, với diện tích đất xây dựng mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2, 0 lần và bảo đảm phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì tiêu chuẩn thiết kế phải đáp ứng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 7 Nghị định 188/2013/NĐ-CP.
Đối với phát triển nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua, mỗi phòng ở phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu: diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 9m2, chiều rộng thông thủy của phòng tối thiểu không dưới 2,40m, chiều cao ở chỗ thấp nhất không dưới 2,70m; phòng phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên; phải có đèn đủ ánh sáng chung… Đối với một căn nhà (căn hộ) để bán, cho thuê, cho thuê mua ngoài việc đảm bảo các quy định trên còn phải đáp ứng: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội tại khu vực đô thị từ 02 (hai) tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ 02 (hai) căn hộ được thiết kế xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và phải đáp ứng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành; nhà phải có kết cấu vững chắc, chống được gió bão; mỗi phòng ở phải có lối ra vào và cửa sổ riêng biệt; nền nhà phải được lát gạch hoặc láng vữa xi măng. Độ cao của nền nhà phải cao hơn mặt đường vào nhà tối thiểu là 0, 3m và cao hơn mặt sân, hè tối thiểu 0, 15m. Về cấp điện: đường dây cấp điện phải đảm bảo an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của cơ quan chuyên ngành ban hành; phải có đèn chiếu sáng ngoài nhà đảm bảo đủ ánh sáng khi đi lại. Về cấp nước sinh hoạt: bảo đảm cung cấp nước sạch tối thiểu 75 l/ng/ngày đêm. Trường hợp dùng nước giếng khoan phải có bể lọc bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch hợp vệ sinh do cơ quan chuyên ngành ban hành…
Đối với việc quản lý việc mua, bán, cho thuê, cho thuê mua và sử dụng nhà ở xã hội, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bao gồm các đối tượng như: người có công với cách mạng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 34/2013/NĐ-CP; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước… Đối tượng được xét duyệt mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải thuộc diện có khó khăn về nhà ở và điều kiện về cư trú. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục mua, thuê mua nhà ở xã hội, hồ sơ đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, phương thức xác định giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội, quyền và nghĩa vụ của người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/7/2014.