Cụ thể, trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu là 10m2; có đủ điện, nước phục vụ sơ cấp cứu; có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ; bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường; phải có bộ nẹp cố định gãy xương; bông băng, gạc, cồn sát trùng, túi cứu thương, cáng cứu thương, xe cứu thương (nếu có); có tối thiểu 03 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm (trong đó 01 người chuyên trách làm việc toàn thời gian). Địa điểm đặt trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải là nơi thuận tiện giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.
Đối với điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ: phải có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu 06m2; có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ; phải có bộ nẹp cố định gãy xương; bông băng, gạc, cồn sát trùng, túi cứu thương, cáng cứu thương; có tối thiểu 02 tình nguyện viên cấp I làm việc tại điểm. Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có thể đặt tại nhà dân, tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện nhanh chóng các hoạt động sơ cấp cứu.
Thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ là Giám đốc Sở Y tế cấp tỉnh.
Việc huấn luyện sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng và tình nguyện viên cấp I, cấp II do Hội chữ thập đỏ cấp huyện trở lên tổ chức. Thời gian huấn luyện sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng và tình nguyện viên cấp I là 24 tiết về 10 kỹ thuật sơ cấp cứu (kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cứu dị vật, tắc đường thở; sơ cứu ngừng tim; sơ cứu chảy máu – sốc, sơ cứu vết thương phần mềm, băng bó vết thương, sơ cứu gãy xương, sơ cứu điện giật, sơ cứu đuối nước). Huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp II chỉ được thực hiện sau khi đã tham gia huấn luyện tình nguyện viên cấp I. Thời gian huấn luyện là 40 tiết về 14 kỹ thuật sơ cấp cứu là sơ cứu tổn thương cột sống, nghi trấn thương sọ não, tổn thương vùng bụng, ngực, mắt, ngộ độc cấp, động vật cắn, say nắng, đột quỵ, sốt cao cảm lạnh, tiêu chảy cấp, co giật, tai nạn hàng loạt…
Chương trình huấn luyện sơ cấp cứu phải được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2014. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ đang hoạt động trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải bảo đảm các điều kiện hoạt động và làm thủ tục cấp giấu phép hoạt động theo quy định tại Thông tư này.