Căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào các nội dung trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật (rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, cán bộ; tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; quy hoạch, tài chính, đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp); công tác tổ chức thi hành pháp luật (quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới; thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật gắn với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức thức tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ; tăng cường thanh tra
, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật)
Công văn cũng nhấn mạnh cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xác định hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có thể tham khảo một số hình thức hưởng ứng cụ thể như: Tổ chức hoạt động mít-tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với tổng kết, đánh giá kết quả 05 năm triển khai Ngày Pháp luật, hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; lồng ghép trong triển khai hoạt động xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử; Tổ chức tổng kết, đánh giá phong trào thi đua hưởng ứng 05 năm triển khai Ngày Pháp luật, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc một số hình thức khác theo hướng dẫn tại Công văn.
Về thời gian thực hiện, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung vào 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11/2018; cao điểm từ ngày 05/11 đến ngày 11/11/2018.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ký Quyết định số 2076/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018 của Bộ Tư pháp. Kế hoạch đã xác định cụ thể các hoạt động nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đưa việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân, hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của toàn Ngành Tư pháp.