Liên kết website

MẸ MUỐN Ở BÊN CON

29/12/2016

Người vợ: Lan Người chồng: Thắng Mẹ Lan: bà Nga Tổ trưởng tổ hoà giải: bác Hương Bé Châu Anh, bé Hải Duy

Tại nhà Lan vào lúc 19h tối, lại cảnh ầm ĩ, tiếng xô mâm, đập bát, tiếng ba mẹ con Lan khóc lóc, rồi cảnh anh Thắng đùng đùng bỏ đi. Hàng xóm nghe mãi cũng mệt, cám cảnh cho nhà anh chị này. Mới trước đây vài năm gia đình vẫn còn hạnh phúc, anh Thắng chăm chỉ làm ăn, chị Lan ở nhà buôn bán nhỏ, nuôi hai đứa con kháu khỉnh. Gia đình anh chị cũng đã nhiều người mơ ước. Vậy mà, từ sau khi anh Thắng chuyển lên Hà nội làm, gia đình xáo trộn sinh hoạt, nghe đâu anh Thắng có bồ, cô bồ trẻ xinh đẹp, làm cùng công ty anh Thắng ở Hà nội. Vậy đấy, hạnh phúc cũng thật mong manh.
Chị Lan đang ngồi khóc, bát đũa, đồ đạc bị đáp, rơi vỡ chưa ai dọn, hai đứa trẻ một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi đang ngồi nép ở góc giường khóc thút thít thì nghe tiếng mở cửa đi vào.
Bà Nga: hai cháu của bà ơi, bà sang đây. Vừa vào đến nhà nhìn thấy cảnh nhà con gái, bà hét lên: Trời vợ chồng lại như thế này à, sao mà khổ con, khổ cháu tôi thế không biết. Anh Thắng đâu?
Lan: đập vợ đồ đạc, chửi mắng con xong bỏ đi rồi mẹ ạ
Bà Nga: họp gia đình bao nhiêu lần rồi, thế nó vẫn không nghe, chứng nào tật ấy, bập vào cái con ranh ở công ty rồi về ruồng rẫy vợ con.
Lan (vừa nói vừa khóc): mẹ ơi,
Bà Nga: sao con?
Lan: con không chịu nổi nữa rồi, con muốn ly hôn
Bà Nga: mẹ và cả nhà thương con, thương cháu lắm nhưng nếu ly hôn giờ hai đứa con còn bé quá, khổ lắm con ạ
Lan: nhưng con không thể chịu đựng được nữa, một tuần đến 3 lần cảnh như thế này, con đã đành mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu lắm mẹ à
Bà Nga: Con để từ từ xem thằng Thắng nó có hồi tâm chuyển ý không, thế bác Hương tổ trưởng tổ hoà giải đã sang nhà con nói chuyện khuyên răn gì hai vợ chồng chưa?
Lan: rồi mẹ ạ, cũng đã phân tích nào tình, nào lý nhưng ông ấy có nghe đâu. Cái con bồ thì cứ gọi điện liên tục. Có lúc còn gọi cho con ghen ngược mẹ ạ, nói con hãy buông tha ông Thắng ra vì ông ấy bây giờ chỉ yêu nó thôi
Bà Nga: lại còn dám gọi điện cho con à? Mất dạy thế không biết, thời buổi này không còn coi luân thường đạo lý là gì cả
Hai mẹ con đang nói chuyện với nhau thì nghe đâu giọng bác Hương Tổ trưởng Tổ hoà giải đến. Bác Hương bước vào nhà
Bà Nga: chị Hương, may quá chị đến rồi. Nhà tôi khổ quá chị ạ, có đứa con út lấy chồng mà giờ nó khổ thế này đây.
Lan: cháu chào bác ạ, phiền bác quá, dăm bữa, nửa tháng bác lại phải sang
Bác Hương: khổ nhất mấy đứa nhỏ chịu đựng cãi cảnh bố mẹ cãi nhau, tôi thương ba mẹ con nhà nó quá. Con Lan thì cứ bị thằng Thắng nó đánh đập suốt, chịu làm sao được…
Lan: bác ơi, giờ ông Thắng nói cháu không ly hôn thì sẽ giết cháu. Cháu không vì hai đứa nhỏ thì cháu cũng không muốn sống nữa, Lan lại khóc tức tưởi
Bà Nga: (chạy lại ôm con gái), dám thế cơ à, khổ thân con tôi. Vậy thì mẹ cũng đồng ý cho con ly dị, sống thế này thì là địa ngục. Ngày xưa bố mẹ đã không cho lấy rồi con không nghe cứ lao vào, “cá không ăn muối cá ươn con ạ”. Ngày xưa nó xinh thế, bao nhiêu người theo đuổi, giờ thì thằng chồng nó đánh đập ra nông nỗi này đây. (Bà Nga vừa nói vừa khóc)
Lan: ngày xưa ông đâu có như thế này, giờ có tí tiền, cặp bồ cặp bịch mới ra thế. Bác ơi, nếu ly hôn cháu có được nuôi cả hai đứa con không? Không có chúng nó cháu không sống nổi đâu.
Bác Hương: Thôi giờ tôi cũng không khuyên Lan hàn gắn nữa vì cảnh này nếu duy trì sẽ ngày càng trầm trọng. Thắng đã có hành vi bạo lực với Lan, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ chồng (đặc biệt là nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình theo quy định tại Điều 19 của Luật hôn nhân và gia đình), làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Do vậy, Lan có thể nộp đơn để yêu cầu ly hôn. Ngoài ra, cháu cũng lưu ý, đối với hành vi ngoại tình, bạo lực của Thắng, tùy theo tính chất mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính đấy.
Bà Nga: đấy, pháp luật quy định rất cụ thể rồi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. May có Bác Hương tư vấn chứ mẹ con tôi cũng chẳng biết pháp luật họ quy định như thế nào?
Bà Hương: công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật giờ được thực hiện tốt lắm. Họ tuyên truyền ầm ầm, mấy lần ở nhà văn hoá cán bộ đến giới thiệu luật cho dân tôi đi gọi từng nhà mọi người có đi đâu, nhất là hội trẻ.
Lan: vâng, giờ mới thấy nhà nước họ đã tạo điều kiện cho mình học tập pháp luật nhưng mình không dành thời gian để tìm hiểu là sai, thiệt thòi bác ạ. Về quyền nuôi con sau ly hôn pháp luật quy định như thế nào hả bác?
Bác Hương: Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo đó, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với trường hợp của cháu , do hai đứa con đều đã trên 36 tháng tuổi và chưa đủ 7 tuổi nên Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người trực tiếp nuôi con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.
Lan: vậy không biết đối với thu nhập không ổn định của cháu thì Toà có cho cháu nuôi cả hai đứa không? Mà cháu không muốn xa đưa nào, chúng nó còn nhỏ quá, cần cháu bên cạnh.
Bà Hương: Để giành được quyền nuôi con, cháu Lan phải chứng minh được một số vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, cháu có đầy đủ các điều kiện về vật chất ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập của cha mẹ. Như vậy, cháu phải chứng minh được cháu có điều kiện về tài chính hơn so với chồng cháu, và mức thu nhập, nơi cư trú của cháu phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng và học tập, vui chơi cho cả hai bé.
- Thứ hai, căn cứ vào các điều kiện tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ. Trong trường hợp của cháu:
+ Cháu phải chứng minh được cháu có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ, tạo điều kiện cho cả hai bé vui chơi, giải trí.
+ Phải chứng minh được từ trước tới giờ cháu là người luôn quan tâm, yêu thương hai bé
+ Lan cũng cần chứng minh cháu là người có đầy đủ đạo đức để nuôi dạy con. Cháu có thể đưa ra các bằng chứng chứng minh về tư cách đạo đức của chồng cháu như hành vi ngoại tình, hành vi dùng bạo lực với cháu... để Tòa có thể xem xét.
Bà Nga: điều kiện về vật chất, bố mẹ và các anh chị sẽ hỗ trợ con. Cả nhà sẽ chung tiền mua cho con một ngôi nhà nhỏ ở gần nhà bố mẹ, không lo con ạ; còn tình thương, thời gian dành cho các cháu, lâu nay toàn một mình con chăm lo cho chúng nó chứ cái thằng bạc bẽo kia nó có ngó ngàng gì tới đâu.
Lan: dạ, con cảm ơn mẹ đã thương con và các cháu, cháu cảm ơn bác Hương đã tư vấn giúp cháu về mặt pháp luật.
Bà Hương: thôi, bác về đây, bác chúc cháu mọi sự thuận lợi, tốt lành nhé, cố gắng, nghị lực lên cháu nhé.
Lan thầm nghĩ, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, thuận buồm xuôi gió, có những điều mình phải biết chấp nhận và tìm cách giải quyết, chỉ cần có hai đứa con ở bên, mọi khó khăn Lan đều cố gắng vượt qua.
Các tin đã đưa ngày: