Liên kết website

CỨ TƯỞNG ĐƯỢC NHẬP KHẨU?

29/12/2016

Phân vai: Anh Canh: chồng Chị Thắm: vợ Anh Khang: người anh họ Chị Thanh: vợ người anh họ Hà: Nhân viên văn phòng luật

Cảnh 1: Anh Canh và Anh Khang đang ngồi trong quán nhậu
Anh Canh: Anh uống  đi ạ.
Anh Khang: Được rồi, để anh tự rót.
Anh Canh: Vợ chồng em có chuyện muốn nhờ anh.
Anh Khang: Cứ nói thẳng, chỗ anh em, ngại gì.
Anh Canh: Chuyện nhập hộ khẩu cho con em anh ạ. Bọn em muốn nhờ anh, cho cháu về nhập hộ khẩu của nhà anh. Bây giờ bọn em mới chỉ tạm trú ở Hà Nội, không có nhà nên chưa có hộ khẩu. Bọn em cũng không dư giả gì, nên muốn con em được học ở trường công. Mà muốn xin trường công thì phải có hộ khẩu thành phố anh ạ.
Anh Khanh: Thế không phải con cái thì phải ở cùng bố mẹ à.
Anh Canh: Em tìm hiểu qua thì con cái không bắt buộc phải cư trú cũng một chỗ với bố mẹ anh ạ.[1] Quan trọng là chủ hộ có đồng ý cho nhập khẩu không thôi.
Anh Khang: Chuyện này không có vấn đề gì. Nhưng anh vẫn phải nói qua với chị một tiếng.
Anh Canh: vâng, anh về nói với chị giúp em.
Anh Khang: Còn thủ tục thì chú phải hỏi rõ xem thế nào nhé. Anh cũng không rõ lắm đâu.
Anh Canh: Vâng. Thủ tục thì em sẽ lo ạ.
Cảnh 2: ở nhà anh Khang.
Anh Khang: Anh định cho con thằng Canh nhập khẩu vào nhà mình. Ý em thế nào?
Chị Thanh: Nhập khẩu vào nhà mình á.
Anh Khang: ừ, để con nó được học trường công cho đỡ tốn kém mà.
Chị Thanh: Nếu chỉ nhập khẩu không thì không sao. Nhưng liệu có vấn đề gì sau này không. Ví như người ta kiểm tra hộ khẩu, nó không ở nhà mình thi nói làm sao?
Anh Khang:  Thì bảo nó đi học, đi chơi, về quê. Làm gì có chuyện gì được. Nó là em họ anh. Chỉ cho nhập tên vào sổ thôi mà. Chỗ anh em, không giúp cũng ngại.
Chị Thanh : Vâng, chỗ nhà chú ấy thì cũng không lo. Nhưng vướng đến pháp luật thì em lo thủ tục lằng nhằng thôi.
Anh Khanh : Thủ tục nhà nó phải lo chứ. Mình đã cho nhập hộ khẩu rồi.
Cảnh 3 : Anh Canh dắt xe máy vào nhà hớn hở bảo vợ.
Anh Canh : Anh Khanh đồng ý cho nhập khẩu rồi đấy. Chị Thanh cũng đồng ý rồi. Giờ vợ chồng mình lo thủ tục, giấy tờ.
Chị Thắm : Anh đã đi hỏi chưa. Nếu là anh em ruột thì dễ, nhưng là anh chị họ nên chắc hơi khó đấy.
Anh Canh : Thì có mỗi anh chị ấy nhờ được. Bà cô anh, chồng bà ấy không đồng ý thì mình làm gì nào. Khó thì cũng phải cố cho con chứ.
Chị Thắm : Thế thủ tục thế nào anh.
Anh Canh : Đầu tiên cắt khẩu cho con mình ở quê, làm giấy chuyển hộ khẩu. Sau đó làm Hồ sơ đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu; Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.[2]
Chị Thắm : Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là gì ?
Anh Canh : Xem nào, Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó); Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép); Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);  Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác; Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật; Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở; Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.[3]
Chị Thắm: Ui giời ơi, lắm giấy tờ thế.
Anh Canh: Chỉ một trong số đó thôi. Giấy tờ nhà hợp pháp của anh Khanh ý mà.
Chị Thắm: Nghe ù hết cả đầu.
Anh Canh : Con mình là người chưa thành niên, nên hồ sơ phải có thêm đăng ký khai sinh. Nó không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Rồi văn bản đồng ý cho nhập hộ khẩu của anh Khanh.[4]
Chị Thắm : Sao anh không nhờ văn phòng luật làm cho nhanh. Họ thuộc luật, lại quen biết trong ngành nhiều. Làm nhanh hơn mình ấy chứ. Đằng nào chả tốn tiền.
Anh Canh: ừ, em nói phải.
Cảnh 4: Văn phòng luật sư.
Anh Canh: Tình hình là thế em ạ. Bao lâu thì xong hả em?
Hà: Anh ơi, trường hợp của anh không nhập khẩu được đâu anh ạ.
Anh Canh: Sao thế em. Anh họ anh đồng ý rồi mà.
Hà: Anh có biết những trường hợp nào được đăng ký thường trú ở Hà Nội không ạ.
Anh Canh: thì anh cũng nghe nói thôi, không biết cụ thể lắm.
Hà: Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 thì các trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình bao gồm: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;  Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. Nếu đối chiếu vào đây thì con anh chị không thuộc trường hợp nào cả.
Anh Canh: Sao thế nhỉ. Hồi ấy anh hỏi anh ở cơ quan, anh ấy bảo được cơ mà.
Hà: Có thể là họ có cửa chạy. Nhưng là lách luật hoặc giả mạo lý lịch giấy tờ thôi. Bây giờ họ kiểm tra ghê lắm, quy định rõ ràng như thế nên bọn em cũng chịu.
Anh Canh: Không còn cách nào à?
Hà: Quả thực là không có anh ạ. Anh ơi, con anh có ở cùng anh chị họ của anh không?
Anh Canh: Không em ạ, chỉ nhập khẩu cho cháu về để xin học trường công thôi.  Chứ nó vẫn ở với vợ chồng anh chứ.
Hà: Theo quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 8 Luật cư trú thì pháp luật nghiêm cấm hành vi giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó và hành vi đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Nếu người ta phát hiện ra thì cán bộ công an làm thủ tục cho anh và người nhà anh sẽ bị liên lụy đấy.
Anh Canh (ngẩn cả người): Liên lụy thế nảo em.
Hà: Bị xử lý vi phạm hành chính  anh ạ. Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng nếu cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó[5]
Anh Canh: Thôi chết. Thế cơ à.
Hà: Vâng ạ. Sao anh chị không nhập khẩu ở Hà Nội, rồi chuyển cháu về có phải dễ hơn không? Anh chị đã tạm trú ở Hà Nội được bao lâu rồi
Anh Canh: Bọn anh tạm trú được 3 năm rồi. Chỗ anh thuê trọ giờ làm sao họ cho nhập khẩu về đấy em. Nếu được thì anh đã làm từ trước rồi. Cám ơn em nhé.
Nói rồi Canh lững thững ra về. Hóa ra nhập khẩu ở Hà Nội lại nhiêu khê đến thế. Không phải cứ người chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu là nhập khẩu được đâu.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] Khoản 2 Điều 13 Luật cư trú
[2] Khoản 1 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA
[3] Điểm a, khoản 1 Thông tư số 31/2014/NĐ-CP
[4] Khoản 2 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA
[5] Điểm d, khoản 3, Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú , Nghị định số167/2013/NĐ-CP
Các tin đã đưa ngày: