Liên kết website

CHẲNG THỂ CHUNG BÁT CHUNG MÂM

29/12/2016

Anh Sơn đang ngồi uống nước chè ở sân thì thấy chị Thủy đi làm về, lướt nhìn từ đầu đến chân chị Thủy, anh Sơn tằng hắng cao giọng nói

- Cái ngữ cô thì làm với lụng cái gì? Hôm nay cô đi với thằng nào thế? Được bao nhiêu tiền?
          Vừa dừng xe chưa kịp cởi cái mũ bảo hiểm đã nghe lão chồng châm chọc, xúc phạm. Bao mệt mỏi trong người người Thủy như muốn trào ra, cuối năm rồi, ti tỉ thứ việc dồn lên đầu, trong người như bốc hỏa chị quát:
          - Tôi đi đâu, làm gì mặc xác tôi, không cần anh quan tâm. Anh cứ lo cho cái thân anh cho đàng hoàng, tử tế đi, để yên cho mẹ con tôi sống là tôi cảm ơn anh lắm rồi…
          Nói xong chị Thủy xách túi đi vào nhà, thấy vợ có thái độ khác với mọi ngày, anh Sơn đứng dậy đi theo vào nhà:
          - A, cô giỏi thật, cô cãi tôi xoen xoét thế à, đồ gái đĩ già mồm…
          Vừa nói anh Sơn vừa lao vào chị Thủy đánh túi bụi, không chịu nổi trận đòn vũ phu của chồng, chị Thủy chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn.
          Từ ngày anh Sơn phát bệnh loạn thần do uống nhiều rượu là từ ngày ấy cuộc sống của chị Thủy và bé Linh rơi vào địa ngục. Chửi bới, đánh đập, rồi đổ cho chị ngoại tình…đều có đủ cả. Chị Thủy vừa rấm rứt khóc vừa nghĩ sao cuộc đời mình nó lại có những lúc trớ trêu thế này, trước đây gia đình chị là hình mẫu lý tưởng của những cặp vợ chồng trẻ. Thời ấy chồng chị hái ra tiền vì làm máy xúc, là tỉnh miền núi nhu cầu san gạt nhiều, anh Sơn mỗi lần mang tiền về cho chị chẳng cần đếm…rồi thời buổi cạnh tranh nhiều, doanh nghiệp làm ăn kém đi, anh Sơn không chịu chấp nhận điều đó, không chịu đổi mới, không chịu tìm việc nên kinh tế gia đình ngày một khó đi, rồi lấy rượu giải khuây…lâu dần bị loạn thần. Đang miên man suy nghĩ thì chị Liên làhàng xóm tốt bụng, người chứng kiến hàng ngày việc gia đình chị Thủymang cho chị cốc nước:
          - Uống nước đi em, đừng nghĩ ngợi nhiều, đằng nào Sơn nó cũng thế rồi, tìm cách mà giải quyết thôi. Chị thấy em sống thế này khổ quá.
          Nước mắt rơi lã chã, chị Thủy trả lời:
          - Em nộp đơn ly hôn rồi, cố gắng chịu đựng đến lúc tòa án giải quyết chị ạ, chả nhẽ lại dọn ra ngoài thuê nhà lúc này cũng không tiện.
          Nghe chị Thủy nói nộp đơn ly hôn, chị Liên ngậm ngùi:
          - Không thể cứu vãn được nữa hả em? Chị thương em như em gái, nỗi khổ của em chị đều biết cả, nhưng nếu ly hôn bây giờ mọi người lại nghĩ không đúng về em, rồi bé Linh phải sống thiếu cha hoặc mẹ, em đã nghĩ đến điều đó chưa?
          Uống cốc nước chị Liên đưa, chị Thủy trả lời dứt khoát:
          - Bao đêm không ngủ dược em nghĩ nát óc rồi chị ạ. Em cũng đã tìm nhiều cách để giúp anh ấy thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại nhưng anh ấy không hợp tác chữa bệnh. Chị bảo bản thân anh ấy còn không lo được cho mình thì làm sao lo được cho vợ con? Chả lẽ em cứ phải lo cho một đứa trẻ trong hình hài người lớn ấy suốt đời hay sao?
          Dừng lời như để ngăn sự xúc động, chị Thủy nói tiếp:
          - Ba năm rồi chị ơi, chứ có phải ngày một ngày hai đâu mà bảo em bạc bẽo, sức chịu đựng của con người có hạn. Anh ấy đánh em nhiều đến nỗi mà vết tím cũ chưa mờ thì vết tím mới đã xuất hiện. Lúc đầu em còn nói dối mọi người là em bị ngã, nhưng ngã gì mà nhiều thế? Ai tin hả chị?
          Chị Thủy lại khóc khiến chị Liên chỉ biết động viên:
          - Cố vì bé Linh em ạ…
          Nghe chị Liên nói đến con gái chị Thủy càng xót xa hơn:
          - Bé Linh cũng chính là một trong những lý do khiến em càng quyết tâm ly hôn đấy chị ạ. Dạo này con bé như bị bệnh trầm cảm, đi học thì thôi chứ về đến nhà là chẳng nói câu gì, em hỏi gì nó mới trả lời chứ không líu lo với mẹ như trước đây. Năm nay nó 13 tuổi rồi, cái tuổi nhạy cảm, em lo lắm chị ạ.
          Nhìn ra ngoài thấy trời sâm sẩm tối, chị Thủy vội đứng lên:
          - Em về đây, còn nấu cơm cho bé Linh ăn đi học thêm buổi tối chị ạ.
          Chị Liên nhìn theo chị Thủy mà trong lòng trào lên một nỗi thương cảm, cũng là thân phận người phụ nữ mà sao có người được chồng yêu, chồng chiều, có người thì suốt ngày bị đánh như đánh bị bông, đánh như thế thân thể con người nào chịu được. Cô Thủy đấy cũng nhẹ nhàng, xinh xắn, nói năng dễ nghe, lại là cán bộ nhà nước…Chị Liên cũng vội vàng xuống bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình.
          Vừa ăn cơm trưa xong thì chị Liên và hàng xóm nghe thấy tiếng la hét inh ỏi của anh Sơn liền chạy ra xem có việc gì. Trước mắt mọi người là toàn bộ quần áo, đồ đạc của chị Thủy bị anh Sơn ném ra sân và đang định bật lửa để đốt, thấy vậy mọi người liền lao vào can ngăn:
          Bác Trung,Tổ trưởng dân phố quát to:
          - Anh Sơn làm cái gì thế?
          Anh Sơn mắt đỏ ngầu ngẩng lên nhìn bác Tổ trưởng trả lời:
          - Con Thủy nó đòi ly hôn cháu nên cháu đuổi nó ra khỏi nhà vì nhà này do tiền của cháu làm ra, cháu cho nó ở hay không là quyền của cháu.
          Nghe anh Sơn nói, bác Trung hạ giọng khuyên giải:
          - Anh chị không ở được với nhau nữa mà phải ly hôn là quyền của anh chị. Nhưng cái gì cũng phải tuân theo quy định cuả pháp luật, mà ly hôn cũng phải có văn hóa ly hôn chứ?
          Mọi người túm vào thu dọn đồ đạc cho chị Thủy, anh Sơn cũng không phản ứng gì mà chỉ ngồi nghế than thở:
          - Toàn bộ của cải cái nhà này là do một tay cháu làm ra, lương nó ba cọc ba đồng đủ ăn là tốt rồi. Thế mà hôm qua ra tòa, bà Thẩm phán lại bảo cháu kê khai xem vợ chồng có bao nhiêu tài sản để thỏa thuận chia đôi, chú bảo thế có đúng không?
          Ông Trung cũng ngồi xuống cạnh anh Sơn nhẹ nhàng phân tích:
          - Các cụ chả nói rồi đấy thôi, của chồng công vợ, thế anh không tính đến những vất vả lo toan của chị Thủy khi sinh con đẻ cái, thu vén gia đình, phụ nữ còn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ thì còn đâu thời gian mà ra ngoài xã hội làm kinh tế như các anh được.
          Nghe ông Trung nói anh Sơn không nói gì nữa, thấy ổn ông Trung đứng dậy đi về.
          Một ngày cuối năm trời rét như cắt da cắt thịt. Tại Tòa án, anh Sơn và chị Thủy ngồi đối diện nhau nhưng không ai nói với ai một lời nào, vị Thẩm phán bắt đầu làm các công việc của mình:
          - Hôm nay là buổi hòa giải cuối cùng của anh chị, nếu anh chị không thỏa thuận được vấn đề hôn nhân và tài sản thì tôi sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vì chị Thủy làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên nên tôi sẽ căn cứ theo quy định của Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nếu xét thấy tình trạng hôn nhân của anh chị đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, đủ điều kiện để Tòa án cho ly hôn. Ý anh chị thế nào?
          Chị Thủy lên tiếng trước:
          - Thưa Thẩm phán, ý kiến của tôi về hôn nhân vẫn như trong đơn yêu cầu là mong muốn được ly hôn, nếu anh Sơn không đồng ý, đề nghị Tòa án cho xét xử ạ. Còn về tài sản, tôi vẫn đề nghị được chia đôi, hiện nay chúng tôi cũng chỉ có mỗi căn nhà đang ở và đồ dùng gia đình là tài sản chung thôi ạ.
          Quay sang anh Sơn, vị Thẩm phán hỏi:
          - Thế còn anh Sơn, anh định thế nào?
          Anh Sơn trả lời Thẩm phán bằng thái độ rất ngang ngược:
          - Tôi chả định gì hết, tôi không bỏ vợ bỏ con, tôi có bị điên đâu mà bỏ vợ con. Cô Thủy cô ấy đi ngoại tình về nên chán chồng đòi bỏ, Tòa án phải bênh vực tôi mới đúng chứ?
          Vị Thẩm phán vẫn nhẹ nhàng:
          - Anh bảo chị Thủy ngoại tình, anh có bằng chứng không?
          Đuối lý anh Sơn nói cùn:
          - Tôi chả cần bằng chứng, tôi biết là được
          Vị Thẩm phán nói giọng nghiêm khắc:
          - Đây là cơ quan pháp luật, nói phải có chứng cứ, đề nghị anh nên cân nhắc.
          Thấy vị Thẩm phán nói vậy, anh Sơn không nói gì thêm, như nghĩ ra điều gì anh mặc cả:
          - Tôi sẽ ly hôn với điều kiện cô Thủy phải nuôi bé Linh và để hết tài sản lại cho tôi.
          Nghe anh Sơn đưa ra điều kiện, Thẩm phán hỏi chị Thủy:
          - Chị có đồng ý điều kiện anh Sơn đưa ra không:
          Chị Thủy suy nghĩ một lát rồi trả lời:
          - Thưa Thẩm phán, để có điều kiện nuôi con tốt nhất, tôi đề nghị chia đôi tài sản chung ạ.
          Thẩm phán đưa ra quy định để phân tích cho cả hai người:
          - Trường hợp hai người không thỏa thuận được việc chia tài sản thì Tòa án sẽ áp dụng khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 để chia tài sản như sau: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
          Nghe vị Thẩm phán nói một hồi, anh Sơn liền lên tiếng:
          - Nhưng mà cái nhà đấy là toàn bộ tài sản của tôi làm ra mà. Tiền lương của cô ấy chỉ đủ 3 miệng ăn hàng ngày.
          Thẩm phán lại phải giải thích cho anh Sơn hiểu:
          - Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
          Anh Sơn không hiểu hỏi lại Thẩm phán:
          - Như vậy tôi làm ra nhiều tiền cũng bằng với cô Thủy làm ra ít tiền à?
          Thẩm phán trả lời:
          - Đúng như vậy, nếu anh không đồng ý thỏa thuận với chị Thủy mà để đưa vụ án ra xét xử, lúc đấy anh chị sẽ phải nộp cả tiền án phí cho việc chia tài sản nữa. Anh cứ cân nhắc thật kỹ rồi trả lời cho tôi biết.
          Anh Sơn thấy hoang mang, liền nhẩm tính: mình mà không đồng ý ly hôn thì Tòa án vẫn cho ly hôn được vì tình trạng hôn nhân trầm trọng, mình không đồng ý chia tài sản Tòa án vẫn chia được theo cái nguyên tắc gì mà Thẩm phán vừa nói, lại còn mất án phí nữa chứ. Thôi thì chẳng thể chung bát chung mâm thì đường ai nấy đi vậy, mình cứ cố tình không nghe lại mất toi tiền án phí.
          Nghĩ vậy nên anh Sơn đề xuất, thái độ tỏ ra nhã nhặn khác hẳn lúc sừng sộ ban đầu:
          - Tôi nghĩ rồi, đằng nào cũng chẳng ở được với nhau, vậy thì tôi đồng ý ly hôn, tài sản chia đôi. Tôi không nuôi con nhưng sẽ có trách nhiệm đóng góp hằng tháng cho cô Thủy nuôi con đến khi trưởng thành.
          Vị Thẩm phán nghe anh Sơn nói vậy nên kết luận:
          - Anh quyết định như vậy là rất đúng, không thể chung sống được với nhau thì nên giải phóng cho nhau để cuộc sống nhẹ nhàng. Biết đâu cả anh và chị có thể tìm được cuộc sống mới tốt hơn rất nhiều cuộc sống hiện tại.
          Kết thức buổi hòa giải, Anh Sơn đứng lên ra về, bên ngoài không khí tết đang đến rất gần, mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, nhưng sao anh thấy mùa xuân năm nay buồn đến thế./.



 
 
 
Các tin đã đưa ngày: