Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thảo luận các nội dung về công tác quản lý Nhà nước đối với hòa giải ở cơ sở; thực trang tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể cấp xã trong công tác hòa giải ở cơ sở; những thuận lợi, khó khăn trong công tác hòa giải; một số kinh nghiệm trong công tác hòa giải thông qua hòa giải các vụ, việc cụ thể. Các báo cáo tham luận và phát biểu của đại biểu cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể được chú trọng, đa số tham luận của các đại biểu đều khẳng định công tác hoà giải ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, là cơ sở để xây dựng tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, góp phần vào việc ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Tham luận của các đại biểu đã nêu lên được một số khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, như: hòa giải viên thường xuyên thay đổi nên việc tập huấn chưa được thực hiện kịp thời, tài liệu, văn bản pháp luật nhiều, hòa giải viên lớn tuổi nên việc cập nhật còn hạn chế, nhiều tổ hoà giải chưa thực hiện tốt các quy trình hoà giải, thiếu sự kiên trì, công tác phối hợp giữa các ngành chưa được kịp thời. Đặc biệt, các tham luận đã đưa ra những mô hình, kinh nghiệm và kiến nghị cụ thể làm cơ sở để nghiên cứu, vận dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tấn Phong