1. Về đối tượng và nội dung Cuộc thi: Đối tượng tham gia Cuộc thi là mọi công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (trừ thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký của Cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Tư pháp; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các Phòng Tư pháp). Cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi viết (viết tay hoặc đánh máy), mỗi cá nhân dự thi chỉ được gửi 01 bài thi với nội dung là tìm hiểu về một số quy định cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về trình tự tổ chức: Cuộc thi được tổ chức ở 02 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) cụ thể:
Đối tượng dự thi ở cấp tỉnh: là học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, sinh viên các trường cao đẳng, đại học; các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh và các thí sinh có bài thi đạt chất lượng cao ở các đơn vị cấp huyện gửi dự thi cấp tỉnh.
Đối tượng dự thi ở cấp huyện: là học sinh trung học phổ thông; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã và người từ đủ 16 tuổi trở lên đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thuộc đơn vị cấp huyện (trừ đối tượng tham gia dự thi ở cấp tỉnh).
3. Về thời gian tổ chức và giải thưởng của Cuộc thi: Kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh và cấp huyện như sau:
- Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Thể lệ Cuộc thi cấp tỉnh; xây dựng Bộ câu hỏi Cuộc thi chung cho toàn tỉnh trước ngày 10/4/2017; tổ chức phát động Cuộc thi ở tỉnh bắt đầu từ ngày 20/4/2017; xây dựng đáp án Cuộc thi cấp tỉnh; định hướng cho cấp huyện xây dựng đáp án Cuộc thi cấp huyện trước ngày 15/8/2017; thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký Cuộc thi cấp tỉnh; tổ chức chấm thi, công bố kết quả; tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi cấp tỉnh…
- Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện có trách nhiệm thông báo Câu hỏi của Cuộc thi do Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh cung cấp đến đối tượng dự thi ở cấp huyện; xây dựng Thể lệ Cuộc thi cấp huyện
(trên cơ sở Thể lệ Cuộc thi cấp tỉnh) trước ngày 30/4/2017; tổ chức phát động Cuộc thi ở cấp huyện trước ngày 15/5/2017; xây dựng đáp án Cuộc thi ở cấp huyện; thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký Cuộc thi cấp huyện; chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong địa phương tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc thi…
- Thời gian nhận bài thi, kết thúc Cuộc thi:
Ở cấp huyện khóa sổ nhận bài thi chậm nhất là ngày 15/10/2017; hoàn thành việc chấm, báo cáo kết quả tổ chức Cuộc thi và gửi các bài dự thi có chất lượng
(tối thiểu là 20 bài, tối đa là 30 bài) về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh để tham gia Cuộc thi cấp tỉnh trước ngày 15/11/2017.
Ở tỉnh: Đối tượng dự thi ở tỉnh nộp bài dự thi về cơ quan, đơn vị đang làm việc, học tập hoặc về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) trước ngày 15/10/2017
(nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc thông qua đường bưu điện, thời hạn nhận bài dự thi tính theo dấu bưu điện);
việc chấm thi ở tỉnh phải hoàn thành trước ngày 15/12/2017; Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi cấp tỉnh tổ chức ngay sau khi hoàn thành việc chấm thi.
- Về cơ cấu giải thưởng Cuộc thi:
Ở tỉnh: Gồm 21 giải tập thể: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 15 giải khuyến khích; 36 giải cá nhân: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 30 giải khuyến khích.
Cấp huyện: Căn cứ Nghị quyết số 122/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của HĐND tỉnh quy định về mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh và tình hình, điều kiện thực tế của địa phương để quy định cơ cấu giải thưởng và mức thưởng phù hợp.
Hà Thanh Vũ