Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều hướng gia tăng, gây nhiều bức xúc, dư luận trong nhân dân, mà nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, sự nhẹ dạ cả tin của một số bộ phận người dân, các biện pháp chế tài, xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Do đó, “Cải thiện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và người dân” là nhiệm vụ chính trị quan trọng tại địa phương.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về thực hiện Kết luận số 25-KL/TU ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, Kế hoạch đề ra 6 nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần tổ chức triển khai, quán triệt những nội dung cơ bản của Kết luận số 25KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và các tổ chức đến tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nắm, thực hiện.
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân các cấp, đảm bảo tính pháp lý, kịp thời, khả thi, dễ áp dụng; tăng cường công tác rà soát, hệ thống và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về công khai, công bố văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành.
Thứ ba, tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm, công khai, minh bạch tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật, nhằm củng cố lòng tin, sự tôn trọng của người dân đối với pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật, từ đó nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật trong xã hội.
Thứ tư, cần đổi mới căn bản, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần cải thiện ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhằm kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân khi triển khai thi hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, xây dựng, phát triển mạnh mạng lưới tổ chức dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng,… Tăng cường tuyên truyền về vai trò, vị trí của của các tổ chức này để người dân biết, sử dụng các dịch vụ pháp lý, tạo hành lang pháp lý an toàn trong các giao dịch dân sự, việc dân sự của người dân.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kịp thời xác định các vấn đề nóng, địa bàn trọng điểm, đối tượng vi phạm pháp luật theo từng thời điểm, để đề xuất các biện pháp nhằm giảm tình hình vi phạm pháp luật, tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để thực hiện những nội dung trọng tâm được đề ra, Ủy ban nhân dân Tỉnh cũng đã đưa ra 9 giải pháp để thực hiện cụ thể như:
Một là, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế, lựa chọn hình thức phù hợp để quán triệt, triển khai những nội dung của Kết luận số 25-KL/TU và Kế hoạch này của Uỷ ban nhân dân Tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức do đơn vị quản lý. Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần quan tâm thực hiện nhằm cải thiện ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giúp ổn định xã hội, thúc đẩy phát kinh tế bền vững và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hai là, trong tổ chức thi hành pháp luật phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên tinh thần công tâm, khách quan, không thiên vị, bao che, nể nang và hình thức xử lý phải được công khai, minh bạch, rõ ràng và đúng pháp luật, đảm bảo theo nguyên tắc “nghiêm từ trên xuống và từ trong tổ chức ra ngoài xã hội”.
Ba là, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, đảm bảo 100% dự thảo văn bản được tổ chức lấy ý kiến, thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh thông qua, ban hành. Thực hiện đúng các quy định về công khai, công bố văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
Bốn là, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật (nhất là trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm hành chính,… và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân), tạo điều kiện thuận lợi để người dân theo dõi, giám sát hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị, từ đó củng cố lòng tin, sự tôn trọng của người dân đối với cơ quan Nhà nước và pháp luật.
Năm là, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang được thực hiện; tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020” với trọng tâm là đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật trên internet; thực hiện kết hợp giữa công tác tuyên truyền pháp luật với việc vận động, hướng dẫn người dân tự tra cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật, dần hình thành trong xã hội ý thức tự giác, thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật.
Sáu là, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp với Quyết định số 73/QĐ-UBND-TL ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Tỉnh; phát huy vai trò nồng cốt của Hội đồng các cấp trong chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Bảy là, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình ngoại khoá giáo dục kiến thức pháp luật trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Tám là, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, đảm bảo đạt trên 90% các chỉ tiêu đã đề ra theo Quyết định số 88/QĐ-UBND-HC ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn Tỉnh; Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chín là, phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý rộng khắp trên toàn tỉnh, phấn đấu đến 2020 mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 03 tổ chức dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật hoạt động theo mô hình tư nhân hoặc xã hội hoá, tự chủ về kinh phí hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, dần hình thành thói quen tham khảo pháp luật trước khi thực hiện các quan hệ pháp lý.
Ngoài những nội dung và giải pháp được nêu trong Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành kèm theo bảng phân công cụ thể cho từng sở, ngành và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Sau khi triển khai thực hiện Kế hoạch này, các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tại đơn vị và địa phương mình quản lý.
Riêng Sở Tư pháp đã cụ thể hóa các nhiệm vụ theo phân công của Kế hoạch đã chỉ đạo các Phòng, đơn vị thuộc Sở xây dựng đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020”; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật nồng cốt của Tỉnh; đồng thời chấn chỉnh công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực; kiến nghị giải pháp kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật mang tính phổ biến; Phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề luật sư, công chứng và số lượng luật sư, công chứng viên đạt trên 90% lộ trình đã đề ra theo Đề án phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn Tỉnh.
Thiết nghĩ, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban nhân dân và sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong quá trình thực hiện của các sở, ban ngành thì việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức và người dân tại cơ sở sẽ mang lại hiệu quả cao./.
Phương Thịnh