Liên kết website

Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện công tác hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

04/04/2018

Những năm qua, việc xây dựng hương ước, quy ước đã được triển khai tương đối toàn diện trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các thôn, làng, tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng hương ước, quy ước. Nội dung của hương ước, quy ước đã tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: các biện pháp, phương thức giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ nghiêm minh các quy định pháp luật; biện pháp bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản công, bảo vệ môi trường; biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa; các biện pháp khen thưởng, xử lý vi phạm. Trong nội dung các bản hương ước, quy ước đã lồng ghép các quy định tại Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 20/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và tổ chức ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hiên nay, trên địa bàn tỉnh đa số thôn, làng, tổ dân phố đều có hương ước, quy ước. Hầu hết các hương ước, quy ước đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng thôn, làng, tổ dân phố thực hiện nếp sống văn hóa. Nội dung Quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố đã bước đầu quy định rõ những việc Nhân dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.... Quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Việc khuyến học, khuyến tài nhằm động viên khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ, khuyến khích con em yên tâm học tập....
Trình tự xây dựng hương ước, quy ước tại nhiều địa phương được thực hiện nghiêm túc. Theo đó, các huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, đánh giá việc xây dựng hương ước, quy ước để không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của người dân tại từng cộng đồng dân cư. Một số thôn, làng, tổ dân phố đã thành lập Ban soạn thảo gồm: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận và một số người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật và phong tục tập quán ở địa phương. Công tác tổ chức lấy ý kiến về dự thảo hương ước, quy ước gửi đến UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các đoàn thể Nhân dân ở xã, thị trấn để xem xét và trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi hương ước, quy ước đã được Chủ tịch phê duyệt, các thôn, làng, tổ dân phố đã tổ chức triển khai đến người dân thông qua các hình thức như thông báo tại các cuộc họp thôn, niêm yết tại nhà văn hóa thôn, khu phố, một số nơi còn phô tô, in sao tới từng hộ gia đình để thực hiện.
         Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, khu phố để Nhân dân biết thực hiện. Hàng năm, nhiều thôn, làng đã kịp thời biểu dương những gia đình, cá nhân gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước, đồng thời phê phán những hộ gia đình, cá nhân không nghiêm túc chấp hành hương ước, quy ước đã được nhân dân thông qua.
         
 Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: 
Thứ nhất, việc tập huấn nghiệp vụ về xây dựng hương ước, quy ước chưa được quan tâm đúng mức. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng quy ước, hương ước và công tác quản lý nhà nước về hương ước, quy ước.
Thứ hai, nhiều bản hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, nội dung sơ sài, rập khuôn, sao chép. Nhiều địa phương hương ước, quy ước chưa mang tính đặc thù, chưa sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố do đó gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Một số địa phương đưa nội dung chung chung, có địa phương chưa đưa được những quy định cần thiết, cụ thể trong đời sống hàng ngày vào hương ước, quy ước. Một số bản hương ước, quy ước còn có nội dung trái với quy định của pháp luật như quy định xử phạt bằng tiền hay bằng hình thức xử lý vi phạm hành chính khác.
 Thứ ba, trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt hương ước, quy ước ở một số thôn, tổ dân phố chưa nghiêm túc như không tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, hộ gia đình hoặc việc lấy ý kiến còn mang tính hình thức, chưa tổng hợp được các ý kiến của người dân, chưa ghi biên bản thông qua hội nghị lấy ý kiến của người dân, cơ quan, tổ chức.
Thứ tư, công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân còn hạn chế. Việc niêm yết công khai hương ước, quy ước chưa được thực hiện đồng bộ tại các làng, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, do đó, một số hộ gia đình chưa nắm bắt được các quy định. Hàng năm, nhiều đơn vị, địa phương chưa tổ chức đánh giá được kết quả thực hiện công tác hương ước, quy ước trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng thực hiện công tác hương ước, quy ước trong thời gian tới, Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong đó phân công các đơn vị có liên quan, các địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, đó là:
- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp về việc xây dựng, duy trì và thực hiện hương ước, quy ước;
- Quan tâm rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những hương ước, quy ước vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, truyền thống và thuần phong mỹ tục;
- Tập trung thẩm định lại hương ước, quy ước trên địa bàn toàn tỉnh; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước;
- Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên; Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh;
- Chú trọng tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn hóa - Xã hội, công chức của các cơ quan tiếp nhận và thẩm định hương ước, quy ước;
- Quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này;
- Hằng năm, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác này để kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt và phê bình những đơn vị làm chưa tốt, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh./.
Hoa Phượng - STP Hà Tĩnh
Các tin đã đưa ngày: