Liên kết website

Người có "duyên" với công tác hòa giải

06/01/2012

“Nếu Tổ Hòa giải nào cũng làm tốt như Tổ hoà giả thôn Đống Đa, Hòa giải viên nào cũng tích cực, nhiệt tình và tận tâm với công việc như ông Vũ thì công việc của chính quyền cơ sở sẽ được giảm tải rất nhiều” - Đó là nhận xét của ông Nguyễn Định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ninh Sim khi nói về công tác hoà giải.

Khi dân cần là mình có mặt

Là cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp ở địa phương từ những năm 80 thế kỷ trước, với uy tín và năng lực thực tế của mình, ông Nguyễn Lê Uy Vũ - Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ hoà giải thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa đã tạo được niềm tin cho người dân địa phương. Năm 1993, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi sau đó kiêm thêm tổ trưởng Tổ hoà giải. Thôn Đống Đa có 415 hộ dân với 2.002 nhân khẩu. Đây là một thôn thuần nông với 86,78% hộ dân sống bằng nông nghiệp, mặt bằng dân trí còn thấp nên những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ người dân ở khu vực dân cư thường xảy ra. “Người dân thấy mình có trình độ, làm việc vì cái chung nên bất kỳ mâu thuẫn lớn hay nhỏ xảy ra trong thôn thì họ cũng đều tìm tôi để nhờ giải quyết, phân xử” Ông Vũ tâm sự.

Ông Vũ kể: Như hôm rồi, cả nhà vừa dọn cơm ra chuẩn bị ăn trưa thì ông A (người trong thôn) chạy đến báo bò của hàng xóm đang ăn mía của nhà ông. Chỉ kịp khoát vội cái áo vào, tôi gọi điện kêu thêm anh Công an viên thôn cùng đi ra hiện trường. Đến nơi, thấy bò vẫn đang thản nhiên gặm mía của nhà ông A, tôi liền cho người cột con bò vào gốc cây gần đó, mặt khác cử người đi tìm chủ con bò đến để lập biên bản sự việc. Sau khi xác định thiệt hại, hòa giải giữa ông A với chủ con bò và thoả thuận đền bù thiệt hại mía cho ông A xong thì cũng đã gần 2 giờ chiều. Rồi chuyện xả nước thải sinh hoạt ra ruộng lúa của hàng xóm, hay như tranh chấp trong việc trồng cây ăn trái bên nhà này vươn cành sang nhà hàng xóm làm rụng lá bên kia...nói chung là đủ loại mâu thuẫn trong nội bộ mà người dân cần đến Tổ hoà giải để giải quyết.

Tổ hoà giải thôn Đống Đa có 12 thành viên gồm đại diện các tổ chức: Ban nhân dân, Mặt trận, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Thanh niên...của thôn, hoạt động theo nguyên tắc: khi dân cần là Hoà giải viên có mặt để kịp thời giải quyết tranh chấp, ngăn chặn mâu thuẫn phát triển. Vụ việc đơn giản thì thực hiện hoà giải luôn, gặp việc phức tạp thì ghi nhận, khuyên nhủ các bên kiềm chế rồi tìm cách giải quyết. Ở vai trò là Tổ trưởng Tổ hoà giải, ông Vũ thường quán triệt đến các thành viên trong tổ phải sâu sát với cuộc sống của người dân trong thôn, nắm chắc tình hình địa bàn mình phụ trách để có thể nhanh chóng, kịp thời và khách quan khi giải quyết mâu thuẫn, không để căng thẳng kéo dài.

Mỗi khi gặp vụ việc phức tạp, cả tổ cùng họp bàn hướng giải quyết, phân công thành viên gặp gỡ từng bên để tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng của họ kết hợp với việc kiên trì vận động, thuyết phục, giải thích các quy định của pháp luật cùng tình làng nghĩa xóm...để họ nhận ra đúng - sai, chấp nhận hướng giải quyết của Tổ hoà giải và bắt tay làm lành, không để ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương. Ông Vũ tâm sự: “Tôi nghĩ mình có duyên với công tác này nên có nhiều lúc các bên căng lắm, không ai chịu nhường ai. Cả tổ cứ tưởng là bế tắt, không giải quyết được nhưng tôi đã cố gắng thuyết phục, giải thích cả lý và tình, cuối cùng họ cũng hiểu và hoà giải thành”.

Nhờ tinh thần làm việc nhiệt tình, tận tụy của ông Vũ và các thành viên trong Tổ hoà giả, tỷ lệ hoà giải thành đạt 100%. Năm 2008 hoà giải thành 19 vụ, năm 2009 hoà giải thành 14/16 vụ (2 vụ thuộc thẩm quyền của xã), năm 2010 hoà giải thành 11/11 vụ (có 1 vụ kết hợp với cán bộ Địa chính xã), năm 2011 hoà giải thành 8/8 vụ.

Theo ông Vũ, kết quả này có sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã. Thôn được xã trang bị một tủ sách pháp luật nhỏ với khoảng 60 đầu sách pháp luật đặt ở nhà sinh hoạt cộng đồng, giúp các Hoà giải viên thuận tiện trong việc tìm hiểu, nghiên cứu qui định của pháp luật phục vụ cho công tác hoà giải. Đối với vụ việc phức tạp, vượt quá khả năng của Tổ thì lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã phân công cán bộ xuống giúp đỡ. Hàng năm, xã cấp văn phòng phẩm, sách pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hỗ trợ tiền bồi dưỡng vụ việc hoà giải theo quy định của tỉnh...nên đã động viên mọi người cố gắng làm tốt công tác hoà giải.

Hậu phương vững chắc

Gia đình ông Vũ sinh sống bằng việc mở quán nước giải khát nhỏ và chăn nuôi heo. Ngoài những lúc làm việc của thôn, ông phụ vợ nuôi heo, bán hàng. Với suy nghĩ: Nếu có tranh chấp xảy ra mà mình đến chậm, lỡ các bên không kiềm chế được thì rất nguy hiểm. Do đó, khi có người cần đến ông để hoà giải, dù đang bận nhưng ông cũng cố sắp xếp việc gia đình để đi ngay bất kể là ngày hay đêm. “Mỗi khi đi như vậy chị nhà có phàn nàn gì không hả anh?” chúng tôi hỏi. Nở nụ cười chất phác, ông Vũ đáp: “Vợ tôi là người luôn động viên tôi làm tốt công việc của thôn, của xã. Như bữa chở chị vợ bị chồng đánh đi bệnh viện để băng bó vết thương lúc nữa đêm, nếu bả không thông cảm thì làm sao đi được. Từ trước đến nay, chưa bao giờ bà tỏ ý không vui khi tôi đi lo công việc của thôn. Nhờ có bả quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc con cái nên tôi mới làm được như vậy. Vợ tôi hiểu việc tôi làm là vì cuộc sống bình yên của thôn xóm nên rất ủng hộ.”

Ông Lê Thiên Hoàng, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hàng năm, lãnh đạo địa phương tổ chức cho các ban ngành, đoàn thể và cán bộ công chức thuộc xã đăng ký thi đua bằng những công việc chuyên môn cụ thể. Qua bình xét, thôn Đống Đa luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua xã giao, đặc biệt là công tác hoà giải ở cơ sở. Đạt được kết quả này có sự đóng góp rất lớn của cá nhân ông Vũ – người có uy tín cao đối với người dân địa phương.

Mong rằng, ngày càng có nhiều Hoà giải viên làm tốt công tác hoà giải như ông Nguyễn Lê Uy Vũ để cuộc sống của người dân ở cơ sở luôn được bình yên, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được truyền tải kịp thời, đi vào cuộc sống.

Hải Dương

Các tin đã đưa ngày: