Tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên…trong việc chấp hành pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các nội dung, giải pháp thực hiện:
Một là, Tổ chức phổ biến, giới thiệu những văn bản pháp luật mới và văn bản pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết đến chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và nhân dân.
Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung trong năm cuối cùng thực hiện Chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến 2012 của Chính phủ (phê duyệt kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ), bám sát nhiệm vụ trọng tâm về PBGDPL được đề ra trong Đề án tăng cường công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2012 (được phê duyệt tại Quyết định số 600, 601, 602 và 719/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh). Trong đó tập trung thực hiện các nội dung: Tổ chức triển khai sâu, rộng và tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật ở các lĩnh vực trọng điểm. Tiến hành kiểm tra, theo dõi kết hợp tổng kết, đánh giá hiệu quả của Đề án và rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình “Ngày pháp luật” theo Kế hoạch số 23/KH-HĐPH ngày 07/7/2010 của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh. Tiếp tục phối hợp thực hiện PBGDPL hướng về cơ sở thông qua các hoạt động cụ thể được tiến hành như: đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, đổi mới sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, phát triển hệ thống loa truyền thanh, mạng lưới thư viện, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoà giải ở cơ sở, xét xử lưu động, thi hành án dân sự,... Khuyến khích tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu văn hoá, văn nghệ để thu hút nhiều đối tượng tham gia nhằm tạo nên phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tiến hành hoạt động tuyên truyền miệng thường xuyên, liên tục, sâu rộng nhằm làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu biết, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; đồng thời bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2012.
Ba là, Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL đến đối tượng thanh thiếu niên và sinh viên, học sinh. Chú trọng triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010); Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” (được phê duyệt tại Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Bốn là, Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ và Kế hoạch số số 20/KH-UBND ngày 26/8/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm là, Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên và các hình thức PBGDPL.
Sáu là, Thực hiện tốt công tác phối hợp: Tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL các cấp theo hướng bảo đảm tính thiết thực, tránh hình thức, đảm bảo tính chủ động của các cơ quan thành viên; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức về công tác PBGDPL. Tiếp tục phối hợp giữa các cơ quan thành viên Hội đồng, giữa các ngành, đoàn thể, địa phương trong việc rà soát, triển khai và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009-2012”; Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước từ năm 2008-2012”; Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường từ năm 2008-2012”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009-2012”.
Bảy là, Xây dựng nội dung và tăng thời lượng tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động PBGDPL thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang tin, website của Sở, ngành, địa phương.
Tám là,. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, cung cấp văn bản pháp luật miễn phí tại các cơ quan, đoàn thể, gắn với việc công khai trình tự, thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” giúp nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp luật và nâng cao văn hoá pháp lý trong nhân dân.
Chín là, Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động PBGDPL.
Mười là, Tổ chức tổng kết đánh giá công tác năm 2012 và Đề án tăng cường công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2012; xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL giai đoạn 2013-2017 và Kế hoạch PBGDPL năm 2013.
Để thực hiện các nội dung và giải pháp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn, trong đó: Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung tại các Điểm thứ 3, 9 và 10 và chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh hướng dẫn việc bố trí, sử dụng kinh phí dành cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định./.
Thùy Trang, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau