Liên kết website

Tuyên Quang: Tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phổ biến,  giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012

31/08/2012

Ngày 30 tháng 8 năm 2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Lãm, Vụ Trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Đồng chí Vũ Thị Bích Việt - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; Lãnh đạo UBND, Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện tập thể, cá nhân được khen thưởng thành tích 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012.

 Hội nghị đã đánh giá và khẳng định: Qua 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các chỉ tiêu PBGDPL cho từng đối tượng cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu của Chương trình đề ra; quá trình thực hiện đã đáp ứng được 6 yêu cầu của Chương trình; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh xác định công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; quá trình thực hiện đã kế thừa và phát triển những hình thức, biện pháp tuyên truyền phát huy hiệu quả; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đa dạng hoá, bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống và những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; nội dung pháp luật được tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và toàn diện; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hoá truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, nhân dân; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện pháp luật và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; có sự đầu tư hợp lý về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình cũng còn những tồn tại, hạn chế như: hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới, song chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chưa có hình thức tuyên truyền thực sự phù hợp đối với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, người lao động tự do. Hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật chưa cao. Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật một bộ phận chất lượng còn hạn chế. Việc tham mưu triển khai thực hiện một số đề án, tiểu đề án còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Hội nghị cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo, đó là:

Một là, tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, cấp huyện cho phù hợp với các quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL; đề cao trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng và cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL. Phải xuất phát từ thực tiễn mà xác định lĩnh vực trọng điểm để phối hợp triển khai công tác PBGDPL đúng với mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, đảm bảo đúng định hướng chính trị.

Ba là, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách về công tác PBGDPL, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nhất quán và đầy đủ cho việc tổ chức thực hiện công tác PBGDPL ở địa phương.

Bốn là, đa dạng hoá các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn tuyên truyền; nghiên cứu để có hình thức tuyên truyền phù hợp cho đối tượng là thanh niên, người lao động tự do; đối với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số cần có hình thức tuyên truyền bằng chính ngôn ngữ của họ.

Năm là, thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên páp luật bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, Pháp luật trong nhà trường; tăng cường tiềm lực tài chính và đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác PBGDPL.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực PBGDPL; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL, đồng thời phê bình, kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp đối với những tổ chức, cá nhân thiếu cố gắng, thực hiện chưa tốt công tác PBGDPL.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Bích Việt đã trao Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho 35 tập thể và 43 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012.

                                               Minh Hiền

Các tin đã đưa ngày: