Liên kết website

Đồng tháp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

30/11/2023

Thực hiện Quyết định số 527/QĐ-BTP ngày 10/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS).

Đến dự có ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch; đại diện các Tổ hoà giải, Câu lạc bộ (CLB) hoà giải, Hoà giải viên (HGV) có thành tích xuất sắc trong công tác HGƠCS.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem Video clip kết quả 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nghe 05 bài phát biểu tham luận về các chuyên đề: phát huy vai trò của hội viên Hội Luật gia trong việc tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; công tác hòa giải ở cơ sở trong thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới; vai trò của UBMTTQVN các cấp trong kiện toàn, bầu Hòa giải viên ở cơ sở; kinh nghiệm trong quá trình thành lập duy trì Câu lạc bộ hoà giải…
Đặc biệt Hoà giải viên Châu Minh Tâm, Tổ trưởng Tổ Hoà giải ấp Thạnh Phú, xã Tân Bình, huyện Châu Thành chia sẻ tâm sự của một Hoà giải viên rất tâm huyết: “Công tác hoà giải ở cơ sở là việc làm không dễ chút nào, mỗi vụ việc để hoà giải có khi tổ hoà giải phải hoà giải 3-4 lần, có khi phải đến tận nhà, ra đến tận đất, tận ruộng mới thành được. Vất vả lắm, gian nan lắm, nhưng khi hoà giải thành 01 vụ việc Hoà giải viên chúng tôi vui lắm, sung sướng lắm vì đã hàn gắn lại tình làng, nghĩa xóm góp phần cho địa phương được ổn định hơn, phát triển hơn”….hay là phần phát biểu của bà Nguyễn Kim Huê, Hoà giải viên của xã Long Hậu, huyện Lai Vung; Chú Đồng Văn Tới, Hoà giải viên ấp Thượng 1, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự tâm sự, chia sẻ quá trình hoà giải rất cảm động đã chạm đến trái tim của đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo đánh giá chung của bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp  qua 10 năm thực hiện Luật HGƠCS, tại Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, mô hình CLB HGƠCS phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa. Hiện nay, toàn tỉnh nhân rộng được 106 CLB HGƠCS, tạo điều kiện để các HGV tiếp cận, cập nhật kiến thức pháp luật mới kịp thời và trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác HGƠCS, góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ hòa giài thành ở cơ sở từ 90% trở lên. Mô hình CLB HGƠCS được Bộ Tư pháp đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng trên cả nước.
Hoạt động HGƠCS được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như: đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho Tập huấn viên, HGV trên các Trang thông tin điện tử… tạo điều kiện cho Tập huấn viên và HGV tra cứu, cập nhật kiến thức; xây dựng 12 nhóm Zalo của 12 huyện, thành phố với hơn 1.000 HGV tham gia, qua đó kịp thời trao đổi thông tin, cách làm hay trong thực hiện công tác HGƠCS…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đánh giá cao việc tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật HGƠCS đúng thực chất, cũng như sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác HGƠCS, qua đó, công tác này của Đồng Tháp đạt kết quả cao.
Để tiếp tục triển khai công tác HGƠCS hiệu quả trong thời gian tới, ông Phan Hồng Nguyên đề nghị Đồng Tháp chú trọng:
 Một là, Gắn công tác hòa giải ở cơ sở với việc giáo dục, vận động nhân dân ý thức tôn trọng, thực thi, tuân thủ pháp luật theo mục tiêu Nghị quyết 27/TW đề ra: Đến 2030, thượng tôn pháp luật là trở thành chuẩn mực ứng xử của toàn xã hội.
Hai là, quan tâm huy động sự tham gia đội ngũ công an xã, bộ đội biên phòng, luật sư, người có kiến thức pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Bốn là, tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở trên toàn Tỉnh.
Năm là, bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Thông tư có hiệu lực từ ngày 06/10/2023. Rất mong tỉnh Đồng Tháp sớm ban hành văn bản triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ sự trân quý và cảm ơn tấm lòng của những HGV đã đóng góp công sức, tâm huyết cho sự bình yên, phát triển của địa phương và xã hội. Đồng thời, ghi nhận ý kiến của các đại biểu về khó khăn trong công tác HGƠCS để có cách tháo gỡ, hỗ trợ cho hoạt động CLB HGƠCS.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, toàn xã hội về công tác HGƠCS; xác định rõ công tác này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai, tuyên truyền, thi hành Luật HGƠCS...
Dịp này, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp trao bằng vinh danh “Gương sáng pháp luật” cho bà Nguyễn Kim Huê – HGV xã Long Hậu, huyện Lai Vung là 1 trong 50 gương sáng được bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác HGƠCS. 17 tập thể và 24 cá nhân được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp./.
Phương Thịnh
Sở Tư pháp Đồng Tháp
Các tin đã đưa ngày: