Do đó, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm duy trì Tủ sách pháp luật truyền thống tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Sau 05 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 168 Tủ sách pháp luật. UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường, đẩy mạnh việc tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện công khai Nội quy hoạt động của Tủ sách pháp luật, thời gian phục vụ được niêm yết tại địa điểm đặt Tủ sách pháp luật theo quy định. Tủ sách pháp luật được mở cửa phục vụ hằng ngày theo thời gian làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương; người đọc có thể đọc tại chỗ hoặc mượn sách mang về. Để bảo đảm tài liệu, sách được cập nhật nội dung pháp luật mới, hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, mua bổ sung các loại sách, văn bản pháp luật mới được ban hành để trang bị cho Tủ sách pháp luật.
Nhằm khai thác triệt để tính năng của Tủ sách pháp luật, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có cách làm đổi mới, sáng tạo như: Bố trí sách, báo, tài liệu pháp luật đến các nhà văn hoá thôn, bản để hướng tới xây dựng các “Tủ sách cộng đồng”; lực lượng vũ trang đã duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình “Mỗi tuần một điều luật”; “Ngày pháp luật”, “Tổ tư vấn tâm lý – pháp lý quân nhân”… Các Tủ sách pháp luật được bố trí thuận lợi về địa điểm, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ người đọc (có bàn ghế, điện thắp sáng, quạt…). Việc khai thác Tủ sách pháp luật đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Mặc dù vậy, việc triển khai tủ sách pháp luật vẫn gặp phải những hạn chế nhất định: Ở một số nơi tủ sách pháp luật không phát huy hiệu quả do xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân (nhất là người dân khu vực đô thị) chủ yếu thông qua mạng internet; công tác sắp xếp sách chưa khoa học, việc kiểm kê chưa thường xuyên dẫn đến mất mát, hao hụt tài liệu, sách báo; kinh phí cho công tác này còn hạn chế nên việc rà soát, bổ sung đầu sách mới chưa kịp thời; giờ mở cửa là giờ hành chính nên chưa thu hút được đông đảo các đối tượng đến tham gia nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Vì vậy, bên cạnh việc duy trì Tủ sách pháp luật truyền thống tại các địa bàn miền núi, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Điện Biên cũng quan tâm xây dựng và hướng dẫn người dân khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia tại các địa diểm dân cư có điều kiện thuận lợi.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật