Liên kết website

Kết quả thực hiện một số giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

30/09/2024

Căn cứ Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết, Quyết định, chỉ thị, Kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Chỉ thị số 11/2015/CT-UBND ngày 24/6/2015 về việc tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức pháp luật của Nhân dân trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 01/12/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân…tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố và đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

1. Xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử tuyên truyền của Thành phố, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 471 về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng và thực hiện thành công Đề án “Tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2018” (kèm theo Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND Thành phố), với sản phẩm chính là Cổng thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố (http://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn), ra mắt ngày 06/11/2018 nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2018 (giai đoạn 1). Quá trình vận hành đến nay, Sở Tư pháp thực hiện việc đăng tải 3.623 tin, bài, văn bản, tài liệu PBGDPL ngắn, bài giảng, hình ảnh, video clip… trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, trở thành một trong những kênh tuyên truyền pháp luật chính thống được các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân theo dõi, sử dụng, khai thác khi có nhu cầu tìm hiểu về pháp luật.
Hiện 100% sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố đã xây dựng, vận hành Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó, có bố trí chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật; phân công cán bộ theo dõi, phụ trách việc biên tập, trình duyệt, đăng tải tin bài, tài liệu về PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; quan tâm chú trọng đổi mới hình thức xây dựng các sản phẩm đăng tải, ngoài việc đăng tải toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn xây dựng và đăng tải các tin ngắn, tờ gấp, tờ rơi, đĩa CD, Video, bản tin, tạp chí, hỏi đáp pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm, các tin, bài viết phản ánh các hoạt động PBGDPL cũng như các quy định, phân tích pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
2. Xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật” online (điện tử) dành cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố
Để triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2015, Sở Tư pháp đã báo cáo đề xuất và được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương giao Sở Tư pháp thực hiện thí điểm mô hình Sách nói pháp luật online (điện tử), theo đó hằng năm, Sở Tư pháp duy trì phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật tại Thư mục Pháp luật được thiết lập trên website sachnoionline.com (địa chỉ truy cập http://sachnoionline.com/phápluật) và phát hành 2.700 đĩa CD đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có các Trường đặc biệt dành cho người khuyết tật, góp phần nâng cao hiểu biết, đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của đối tượng đặc thù.
3. Một số hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Tại các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố: Công an Thành phố đã đăng tải 781 phóng sự, 734 tin thời sự, 760 hình ảnh, 3.285 bài viết, 20 video clip tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử và Website xuất nhập cảnh của Công an Thành phố, tổng số lượt người truy cập vào Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố là 300.000 lượt truy cập; Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố thường xuyên cập nhật, đăng tải 796 video clip chuyên đề về kiến thức gia đình, quy định của pháp luật có liên quan đến Hội viên trên Trang tin điện tử, facebook của Hội Liên hiện phụ nữ Thành phố: Hội nông dân Thành phố đã lập các trang Fanpage, zalo làm kênh tiếp nhận dư luận xã hội, xử lý, phản biện các thông tin trên mạng xã hội liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông tích cực tham gia hoạt động PBGDPL trên báo chí thông qua hoạt động giao ban Báo chí định kỳ thứ 6 hàng tuần với lãnh đạo cơ quan báo chí Thành phố, kết quả mỗi năm các cơ quan báo, đài Thành phố có trên 1.000 tin, bài, chuyên mục phát sóng với nhiều hình thức phong phú, thông qua các kênh: báo in, báo điện tử, phát thanh truyền hình. Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố, Báo Sài gòn giải phóng, Báo tuổi trẻ, Báo Pháp luật Thành phố, Báo phụ nữ Thành phố… đã xây dựng, duy trì và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về PBGDPL: “Công dân và Pháp luật”, “Công chức, viên chức, người lao động với pháp luật”, “Học sinh, sinh viên với pháp luật”, “10 phút tiếp dân”, “Lắng nghe và trao đổi”, “Phản hồi bạn nghe đài”….
Tại các quận, huyện: Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 4 với trang facebook “Đất Cảng Quận 4”; Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 với trang “Cột cờ Thủ ngữ”; Quận 7 với trang “Nam Sài Gòn” tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút nhiều lượt truy cập, chia sẻ; Quận Tân Phú với mô hình biên soạn, thu âm tài liệu “Sách nói pháp luật” song ngữ Việt – Hoa cho người khuyết tật và người Hoa đăng trên Trang “Thông tin cần biết” của Quận. Quận 12 xây dựng phần mềm ứng dụng tư vấn pháp luật trên thiết bị di động. Huyện Bình Chánh với mô hình trang tin “Tư pháp Bình Chánh”; Ủy ban nhân dân Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức tuyên truyền qua màn hình chờ Screen Saver đặt tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả….
Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi tổng thể, toàn diện diện mạo, cách thức PBGDPL dựa trên sự phát triển của các công nghệ số, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Từ đó giúp cho hoạt động PBGDPL không bị giới hạn về không gian, tạo sự lan toả rộng lớn, kịp thời; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; giúp người dân Thành phố dễ dàng, thuận lợi trong khai thác, sử dụng pháp luật để bảo vệ và thực thi các quyền, nghĩa vụ pháp lý./.
 
Nguyễn Kim Thoa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: