Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá với hơn 600.000 hòa giải viên tại 96.000 tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên hàng năm đã hòa giải thành trung bình 80% các tranh chấp, mâu thuẫn, đóng góp quan trọng vào việc hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, hạn chế các vụ việc tranh chấp phải đưa lên cấp chính quyền, tòa án giải quyết. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ Tư pháp và UNDP tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Đắc Nông cho thấy một bộ phận hòa giải viên chưa hiểu biết và chưa có kỹ năng giải quyết vụ việc hòa giải bảo đảm bình đẳng giới.
Do vậy, được sự hỗ trợ của Dự án EU JULE, Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) đã xây dựng Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới dành cho hòa giải viên; tổ chức tập huấn điểm tại một số địa phương kỹ năng hòa giải bảo đảm bình đẳng giới bằng phương pháp mới theo hướng tăng cường tính tương tác, cùng tham gia giữa tập huấn viên và hòa giải viên.
Tại Hội nghị tập huấn, các hòa giải viên được giảng viên Đại học Luật Hà Nội và 02 công chức Tư pháp tỉnh Đắc Nông (đã được Bộ Tư pháp tập huấn) giới thiệu, hướng dẫn kiến thức giới, bình đẳng giới, định kiến giới, nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở; phương pháp, kỹ năng hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới và ứng xử phù hợp khi tiến hành hòa giải; đồng thời hướng dẫn các hòa giải viên tham gia trò chơi, các hoạt động tập thể có liên quan đến nội dung Hội nghị.
Hội nghị là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực đối với hòa giải viên ở cơ sở của tỉnh Đăk Nông nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải ở cơ sở nói chung và kỹ năng hòa giải bảo đảm bình đẳng giới nói riêng, qua đó giúp cho việc hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, góp phần để bình đẳng giới từng bước đi vào thực chất./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật