Liên kết website

Phỏng vấn Vụ trưởng Vụ PBGDPL với chủ đề “Thách thức đặt ra đối với công tác hòa giải ở cơ sở và định hướng hoàn thiện thể chế công tác này trong thời gian tới”

15/07/2020

Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Sau 06 năm đi vào cuộc sống, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy được tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác hòa giải ở cơ sở cũng bộc lộ những hạn chế cần được nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp khắc phục. Phóng viên đã có bài phỏng vấn TS. Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp với chủ đề “Thách thức đặt ra đối với công tác hòa giải ở cơ sở và định hướng hoàn thiện thể chế công tác này trong thời gian tới”. Trân trọng gửi tới độc giả bài phỏng vấn này.

Phóng viên: Ngày nay, các quan hệ kinh tế ngày càng đa dạng, các chủ thể là cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch dân sự ngày càng đông. Mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh vì thế cũng ngày càng gia tăng, nội dung phức tạp...Vậy, ông có đánh giá gì về những mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội hiện nay? Và theo ông những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp đó?

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật: Đúng như phóng viên đã nhận định trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng trên rất nhiều lĩnh vực, tính chất của các mâu thuẫn, tranh chấp cũng ngày càng phức tạp. Ngoài ra, cuộc sống nhiều áp lực, căng thẳng khiến con người dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, bị ức chế, dễ dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp. Có thể kể ra các mâu thuẫn, tranh chấp phổ biến hiện nay như: tranh chấp đất đai (giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cộng đồng, nhóm người với nhau về giải tỏa, đền bù); tranh chấp hợp đồng kinh tế; phân chia tài sản; tranh chấp giữa các cộng đồng dân cư với các công ty, doanh nghiệp hủy hoại môi trường; mâu thuẫn giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em trong gia đình đang ngày càng mở rộng và phức tạp.

Có thể thấy các mâu thuẫn và tranh chấp đều liên quan đến quyền và lợi ích của các bên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, mâu thuẫn trên, nhưng phải kể đến các nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Đây là nguyên nhân phổ biến của các mâu thuẫn, tranh chấp thời gian gần đây.

Thứ hai, sự biến đổi về mặt xã hội như tình trạng phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội. Sự phát triển kinh tế xã hội, sự gia tăng quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã phá vỡ những cấu trúc xã hội truyền thống (như cấu trúc làng, xã, cấu trúc gia đình…). Đạo đức xuống cấp, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân dần lấn át.

Thứ ba, môi trường tự nhiên (như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá rừng) cũng chứa đựng những mầm mống gây mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội.

Thứ tư, một số chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh, lao động, an sinh xã hội, quản lý xã hội và bảo đảm quyền lợi cho người dân chưa được đồng bộ, nhất quán, còn bất cập, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Khi xã hội phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, thì các mâu thuẫn, tranh chấp sẽ xuất hiện nhiều hơn, đó là hiện tượng có tính chất tất yếu, khách quan. Tuy nhiên, cần có sự nhận thức đúng đắn rằng những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân không phải là mâu thuẫn mang tính đối kháng xã hội. Vì vậy, hoàn toàn có thể và cần phải giải quyết chúng thông qua thuyết phục, vận động, đối thoại theo tinh thần hòa giải, trong đó không có bên thắng, bên thua.

Phóng viên: Vâng, như ông đã nói, mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư ngày càng đa dạng, phức tạp và các mâu thuẫn này có thể được giải quyết thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, vậy vấn đề đặt ra là chúng ta cần có nhận thức mới về vai trò công tác hòa giải ở cơ sở như thế nào thưa ông?

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật: Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế, hòa giải ở cơ sở càng có điều kiện phát huy khi các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ không chỉ nảy sinh trong đời sống dân cư mà còn ở các tổ chức, doanh nghiệp. Những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột đó nếu không được dự báo, kiểm soát, hóa giải tốt thì không chỉ tác động tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn làm xói mòn nền tảng văn hóa, đạo lý truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam ta. Tình hình đó, đòi hỏi vị trí, vai trò của công tác hòa giải trong thời gian tới cần phải được tiếp tục khẳng định và nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa.

1. Hòa giải, trong đó có hòa giải ở cơ sở cần được coi là phương thức ưu tiên khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp

Điều này phù hợp với tinh thần và nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020: “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, thương mại) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế”.

Hòa giải ở cơ sở là phương thức ưu tiên khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bởi lẽ: (i) Hòa giải ở cơ sở có thể tận dụng được ưu thế của cách tiếp cận dựa trên lợi ích để hòa giải tận gốc, trong khi cách tiếp cận của các phương thức giải quyết bằng tòa án hoặc trọng tài là dựa trên quyền - căn cứ vào các quy định pháp luật để phân định quyền và nghĩa vụ của các bên; (ii) Cách thức hòa giải ở cơ sở không phải tuân theo trình tự, thủ tục bắt buộc mà tùy thuộc từng vụ việc cụ thể, hòa giải viên linh hoạt hòa giải sao cho phù hợp với đối tượng, tính chất, hoàn cảnh; (iii) Các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn hòa giải viên cũng như thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải; (iv) Hòa giải ở cơ sở mang tính thân thiện nên có thể khôi phục, duy trì, củng cố mối quan hệ giữa các bên. Vì những ưu việt trên, trong nền kinh tế thị trường, hòa giải và hòa giải ở cơ sở cần được tăng cường với tư cách là một sự lựa chọn thay thế cho việc xét xử của Tòa án, tăng thêm sự lựa chọn cho các bên tranh chấp.

2. Cần xác định hòa giải ở cơ sở là một bộ phận, một phương thức của công tác dân vận

Có thể nói, bản chất hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là công tác dân vận. Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, tích cực hòa giải để tìm được tiếng nói chung, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.

Do vậy, các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò của công tác dân vận trong hòa giải ở cơ sở, thông qua hòa giải ở cơ sở mà thúc đẩy công tác dân vận để có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác dân vận đối với hòa giải ở cơ sở, bảo đảm hòa giải thành công các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

3. Hòa giải ở cơ sở cần được thực hiện với sự kế thừa truyền thống pháp lý tốt đẹp của dân tộc và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa pháp lý của Việt Nam và thế giới

Hòa giải ở cơ sở còn góp phần duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của dân tộc vì không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà dựa phần nhiều vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm và hành vi ứng xử phù hợp, tích cực, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của con người Việt Nam được bảo tồn và không ngừng phát triển.

Quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài tạo cơ hội hợp tác, trao đổi giữa các nước về kinh nghiệm xây dựng bộ máy nhà nước, cơ chế vận hành của các thiết chế thực thi và đòi hỏi có sự tương thích về pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia. Hệ thống pháp luật của các nước dần dần mang tính quốc tế, lấy tiêu chí tiến bộ làm chuẩn mực. Trong hội nhập và toàn cầu hóa, khoảng cách giữa các hệ thống pháp luật và tư pháp cần xích lại gần nhau hơn. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và hoàn thiện thể chế, chính sách về hòa giải ở cơ sở cho phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế là rất cần thiết.

Phóng viên: Theo ông trong thời gian tới thể chế hòa giải ở cơ sở cần phải hoàn thiện theo hướng nào để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước?

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật: Sau 06 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột rất nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của xã hội và công tác quản lý, đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc, cần có sự nghiên cứu hoàn thiện. Thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở cần theo định hướng sau:

Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, như thay đổi khái niệm “cơ sở”, khái niệm “các bên” để từ đó có thể mở rộng phạm vi hòa giải đến các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định không còn phù hợp về bầu hòa giải viên hay quy định về kinh phí...

Thứ hai, xây dựng cơ chế từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên tiến tới thành lập các Trung tâm hòa giải cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Tư pháp thì tính đến 31/12/2019, cả nước có hơn 96 nghìn tổ hòa giải được thành lập tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố với hơn 600 nghìn hòa giải viên. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ, thành phần tổ hòa giải đa số có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hiểu biết pháp luật và kỹ năng hòa giải của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu mới. Trong số hơn 600.000 hòa giải viên có hơn 21.000 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ khoảng 3,5%.  Nhiều hòa giải viên không thường xuyên được cập nhật kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiến hành hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục, không biết vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Có thể khẳng định để hòa giải thành, yếu tố tiên quyết là chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Việc hòa giải hiện nay không thể chỉ dựa vào các chuẩn mực đạo đức mà còn phải nắm vững pháp luật. Vì vậy, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của hòa giải viên để họ có đủ khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp hơn so với quy định hiện nay.

Với việc dần chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên, cần thiết phải thành lập một tổ chức hòa giải chuyên nghiệp hơn như ở một số quốc gia đã và đang áp dụng có hiệu quả, đó là Trung tâm hòa giải cộng đồng, nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhiều sự lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm thành lập các Trung tâm hòa giải cộng đồng theo hướng: Đây sẽ là tổ chức xã hội phi lợi nhuận, được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, hòa giải viên Trung tâm hòa giải cộng đồng về cơ bản vẫn là những người dân ở cơ sở, có uy tín trong cộng đồng, nhưng được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.... Trung tâm này sẽ khuyến khích và thu hút đông đảo những người có trình độ, hiểu biết pháp luật như hội viên Hội luật gia, các luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia vào hòa giải ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng công tác này.

Thứ ba, hòa giải ở cơ sở cần được thực hiện trong sự tương tác với nhiều hình thức hòa giải khác.

 Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài chế định hòa giải ở cơ sở, còn có những định chế hòa giải khác phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường cần được phát triển và hoàn thiện trong hệ thống các định chế hòa giải như: Hòa giải thương mại, hòa giải trọng tài, hòa giải tại Tòa án, đối thoại trong tố tụng hành chính, hòa giải trong lĩnh vực hình sự...Các hình thức hòa giải này có phạm vi khác nhau nhưng có mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ cho nhau và cùng hướng tới mục tiêu góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự đa dạng của các phương thức giải quyết tranh chấp, một mặt tạo điều kiện cho các bên có quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với từng loại tranh chấp, thể hiện quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp; mặt khác tạo sự cạnh tranh giữa các phương thức, thiết chế giải quyết tranh chấp để thúc đẩy sự tự phát triển của các phương thức, thiết chế này.

Cuối cùng, tôi có thể khẳng định cùng với việc chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ hòa giải viên thì việc hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở theo hướng mở, có thể hòa giải tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp khi các bên có nhu cầu và tin tưởng tìm đến các hòa giải viên là điều tất yếu, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp!
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: