Ngày 06/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg về Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/6/2016 và thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quy chế, quan hệ phối hợp hoạt động trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Quan hệ phối hợp hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, quá trình phối hợp không gây khó khăn, phiền hà hoặc kéo dài thời gian trong kiểm tra, xử lý hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc trao đổi thông tin tội phạm, điều tra, thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải bảo đảm quy định về chế độ mật.
Nội dung phối hợp gồm: Xây dựng kế hoạch, phương án công tác; phát hiện, thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu (về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong ngành và trên địa bàn, dự báo tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, giá cả, kết quả đấu tranh trong từng giai đoạn; thông tin về những quy định mới của pháp luật trong hoạt động quản lý biên giới, chính sách xuất khẩu, nhập khâir, lưu thông hàng hóa trong nước, chính sách khu kinh tế cửa khẩu phi thuế quan, chính sách cư dân biên giới; tình hình vi phạm pháp luật, quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm…); phối hợp tổ chức tuần tra, thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại; phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật khi phát sinh những vấn đề mới trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả; phối hợp đào tạo nghiệp vụ, xây dựng lực lượng theo yêu cầu công tác; phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống các hành vi tiêu cực.
Các cơ quan, đơn vị phối hợp có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ, đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, nguyên tắc các chương trình, kế hoạch, phương án phối hợp đã tham gia ký kết với các đơn vị phối hợp; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định về tình hình thị trường, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của đơn vị mình; tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết, trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của đơn vị chủ trì thì đơn vị được yêu cầu phối hợp phải hỗ trợ, tạo điều kiện, tăng cường lực lượng, phương tiện kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả; tham dự các phiên họp do Bộ, ngành, địa phương chủ trì triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên họp theo yêu cầu; tham gia xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giải có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị mình bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.
Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trách nhiệm của các Bộ, ngành, của Chủ tịch UBND các tinh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.