Ngày 14/05/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh; văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật và các văn bản pháp luật khác do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành phải được gửi đến Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được các văn bản nêu trên, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đăng văn bản đó trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đăng văn bản trên Công báo điện tử phải được thực hiện đồng thời với đăng trên Công báo in và từ cùng một cơ sở dữ liệu; đồng thời văn bản đăng trên Công báo là văn bản chính thức, có giá trị như bản gốc. Trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử, sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chính xác, kịp thời của các văn bản đăng công báo, Nghị định quy định cụ thể về
trách nhiệm của cơ quan quản lý Công báo và cơ quan ban hành văn bản trong việc gửi đăng Công báo như sau: Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về việc không đăng Công báo, đăng chậm, đăng không toàn văn, đầy đủ, chính xác văn bản trên Công báo. Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng Công báo.
Về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định quy định, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm trong văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Trường hợp một văn bản bị hết hiệu lực một phần thì các nội dung hướng dẫn phần hết hiệu lực của văn bản đó sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được hướng dẫn; nếu không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản hướng dẫn thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ. Đối với văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực phải được định kỳ hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa 05 năm/lần; thời gian công bố kết quả chậm nhất là 30 ngày kể từ thời điểm hệ thống hóa đối với văn bản của Trung ương và 60 ngày đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.