Về điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ, Nghị định quy định cụ thể như sau:
Đối với chương trình, dự án: Phải nằm trong danh mục chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Với chương trình, dự án đặc biệt không nằm trong danh mục phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng chương trình, dự án.
Đối với người vay, người phát hành trái phiếu: Với doanh nghiệp, phải tuân thủ các quy định về hoạt động, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; với các ngân hàng chính sách của Nhà nước, tổ chức tài chính tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện chương trình tín dụng chính sách, chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước.
Đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu: Phải nằm trong hạn mức bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Với khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đáp ứng các điều kiện phát hành trái phiếu quốc tế theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu quốc tế…
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.
Về trách nhiệm của các cơ quan trong việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, Nghị định quy định như sau:
Bộ Tư pháp tham gia đàm phán và có ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận phát hành trái phiếu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định; tham gia ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước theo đề nghị của người vay, người cho vay và của Bộ Tài chính. Đồng thời, chủ trì đàm phán và cấp ý kiến pháp lý đối với các thỏa thuận vay nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế, thư bảo lãnh, người bảo lãnh, người được bảo lãnh.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ định cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài được ủy quyền làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng liên quan đến bảo lãnh chính phủ trong trường hợp thủ tục tố tụng được thỏa thuận trong thỏa thuận vay nước ngoài và thư bảo lãnh quy định có Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng là cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, việc quản lý bảo lãnh chính phủ cũng được Nghị định quy định cụ thể về: Trình tự thẩm định và cấp bảo lãnh, hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh, nội dung thư bảo lãnh, phí bảo lãnh, tài sản thế chấp, xử lý tài sản thế chấp, nghĩa vụ của người được bảo lãnh, kiểm tra và giám sát…
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2011. Bãi bỏ Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài.