Thông tư này quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA.
Thông tư được ban hành nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam với các nước ASEAN về xuất xứ hàng hóa: tháng 01/2016, các nước ASEAN đã thống nhất các nội dung cần sửa đổi trong Chương Quy tắc xuất xứ của ATIGA và Ban Thư ký ASEAN trình lên Hội đồng AFTA phê duyệt giữa kỳ, gồm 2 nội dung: Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin theo HS 2012 và Thủ tục cấp và kiểm tra C/O được sửa đổi để áp dụng C/O mẫu D điện tử; cuối tháng 02/2016 và đầu tháng 03/2016, Hội đồng AFTA đã gửi thư phê chuẩn đối với Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) theo HS 2012 và thông qua việc sửa đổi Thủ tục cấp và kiểm tra C/O để áp dụng C/O mẫu D điện tử trong ATIGA. Thông tư đã sửa đổi và bổ sung các Phụ lục IV Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) theo mã HS 2012; Phụ lục VII Thủ tục cấp và kiểm tra C/O (bổ sung một số điều để áp dụng C/O mẫu D điện tử).
Thông tư quy định hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một Nước thành viên ASEAN từ một Nước thành viên khác được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên xuất khẩu nhưng có hàm lượng giá trị khu vực không dưới 40% hoặc tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp 4 số của Hệ thống Hài hoà….
Hàng hoá sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng đầy đủ những quy định của phụ lục này và phải được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu tới lãnh thổ của Nước thành viên nhập khẩu. Các phương thức được coi là vận chuyển trực tiếp bao gồm: Hàng hoá được vận chuyển từ một Nước thành viên xuất khẩu tới một Nước thành viên nhập khẩu; hoặc hàng hoá được vận chuyển qua một hoặc nhiều Nước thành viên, ngoài Nước thành viên nhập khẩu hoặc Nước thành viên xuất khẩu, hoặc qua một nước không phải là Nước thành viên, với điều kiện: Quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lí hoặc do các yêu cầu có liên quan trực tiếp đến vận tải; Hàng hoá không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; và hàng hoá không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để giữ hàng hoá trong điều kiện tốt.
Hàng hoá không đáp ứng tiêu chí CTC vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu phần trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá không đạt tiêu chí CTC nhỏ hơn hoặc bằng 10% (mười phần trăm) trị giá FOB của hàng hoá, đồng thời hàng hoá phải đáp ứng các quy định khác trong phụ lục
Việc xác định các nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau có là nguyên vật liệu có xuất xứ hay không được thực hiện bằng cách chia tách thực tế từng nguyên vật liệu đó hoặc áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản lý kho tại Nước thành viên xuất khẩu.
Ngoài ra, thời hạn lưu trữ hồ sơ (áp dụng cho cả hồ sơ giấy và dữ liệu hồ sơ điện tử) cũng được quy định 05 năm (thay vì 03 năm như quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BCT trước đây). Các Phụ lục khác cơ bản không thay đổi và được hợp nhất từ Thông tư số 21/2010/TT-BCT và Thông tư số 42/2014/TT-BCT.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.