Thông tư này áp dụng đối với Hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt.
Về nguyên tắc đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt, Thông tư yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, quy định kỹ thuật hiện hành; Đảm bảo tính chính xác, khách quan, đầy đủ và toàn diện.
Cũng theo Thông tư, nội dung đánh giá gồm: Nội dung đánh giá chất lượng giá tài liệu khí tượng bề mặt thủ công truyền thống: Tính đầy đủ của tài liệu;Công trình, thiết bị quan trắc; Phương pháp quan trắc, hiệu chính thiết bị và dụng cụ đo; Tính toán số liệu và chọn trị số đặc trưng, thảo mã điện; Tính hợp lý số liệu theo không gian, thời gian và yếu tố quan trắc; Tình trạng vật lý, hình thức của tài liệu.
Nội dung đánh giá chất lượng giá tài liệu khí tượng bề mặt tự động: Tính đầy đủ của tài liệu; Công trình, thiết bị quan trắc; Hiệu chính thiết bị và dụng cụ đo; Tính toán số liệu và chọn trị số đặc trưng; Tính hợp lý số liệu theo không gian, thời gian và yếu tố quan trắc; Tình trạng vật lý, hình thức của tài liệu.
Về phương pháp đánh giá, Thông tư yêu cầu: Đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt bằng phương pháp tính điểm, dựa vào điểm chuẩn, điểm trừ và điểm đạt; Điểm chuẩn (ĐC) là mức điểm cao nhất quy định để đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt được tính là 100 điểm. Điểm chuẩn được xác định trên từng hạng mục đánh giá chất lượng tài liệu; Điểm trừ (ĐT) là số điểm quy định trừ cho các lỗi thiếu hoặc sai, được xác định trên cơ sở: Các nguồn tài liệu: Biên bản kiểm tra trạm, hồ sơ kỹ thuật, kiểm soát tài liệu, các báo cáo công tác và giản đồ tự ghi biến trình số liệu của từng yếu tố khí tượng bề mặt theo thời gian; Phân tích và đánh giá những sai, sót về công trình, thiết bị, quan trắc, chỉnh lý và tính toán thống kê số liệu; Điểm đạt (ĐĐ) của tài liệu được tính bằng điểm chuẩn trừ tổng điểm trừ: ĐĐ = ĐC- ∑ĐT.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/02/2017.