Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2020

30/10/2020

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2020 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 9 năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 16 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam;
2. Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu;
3. Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức;
4. Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mần non;
5. Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng  người làm việc trong đơn vị sự  nghiệp công lập;
6. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
7. Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
8. Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của  Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước;
9. Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính  phủ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế;
10. Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về  biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2022;
11. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức;
12. Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng;
13. Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác;
14. Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
15. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm;
16. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;
2. Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan;
3. Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
4. Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh;
5. Quyết định số 30/2020/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II, cấp giấy phép FLEGT quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.
Quy định về phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Chương III Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 Quy định về hồ sơ gỗ nhập khẩu tại Điều 17 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 Quy định về hồ sơ gỗ xuất khẩu tại Điều 26 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản hết hiệu lực kể từ ngày quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều này có hiệu lực thi hành.
Trước ngày quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều này có hiệu lực thi hành, hồ sơ gỗ xuất khẩu thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ quy định tại Điều 69 Luật Lâm nghiệp năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) về xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và nội luật hóa nội dung của Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 06 chương và 30 Điều quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với xuất - nhập khẩu, cũng như tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, cấp giấy phép FLEGT (văn bản do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất lô hàng gỗ sang Liên minh châu Âu), cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Quản lý gỗ nhập khẩu (Quy định chung về quản lý gỗ nhập khẩu; Tiêu chí xác định và thẩm quyền công bố quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam; Tiêu chí xác định và thẩm quyền công bố loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam; Hồ sơ gỗ nhập khẩu); (3) Quản lý gỗ xuất khẩu (Quy định chung về quản lý gỗ xuất khẩu; Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu; Hồ sơ gỗ xuất khẩu); (4) Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ (Tiêu chí, trình tự, thủ tục phân loại); (5) Cấp giấy phép FLEGT; (6) Đánh giá độc lập; (7) Tổ chức thực hiện; (8) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I về các biểu mẫu: (i) Bảng kê gỗ nhập khẩu; (ii) Bảng kê sản phẩm gỗ nhập khẩu; (iii) Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu; (iv) Đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ xuất khẩu; (v) Bảng kê gỗ xuất khẩu/tạm nhập, tái xuất; (vi) Bảng kê sản phẩm gỗ xuất khẩu/tạm nhập, tái xuất; (vii) Biên bản kiểm tra; (viii) Bảng kê khai phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; (ix) Bảng mô tả hàng hóa bổ sung; (x) Giấy phép FLEGT; (xi) Đề nghị cấp giấy phép FLEGT; (xii) Biên bản xác minh; (xiii) Đề nghị gia hạn/cấp thay thế/cấp lại giấy phép FLEGT; (xiv) Báo cáo tình hình nhập khẩu, xuất khẩu gỗ; (2) Phụ lục II về tiêu chí phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; (3) Phụ lục III về danh mục hàng hóa: mã các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT.
2. Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu
a) Hiệu lực thi hành:  Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 9 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết các nội dung về chứng nhận chủng loại gạo thơm theo điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA), tạo cơ chế cho các tổ chức, cá nhân được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
c) Nội dung chủ yếu:  Nghị định gồm có 03 chương và 15 Điều quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, cụ thể: (1) Quy định chung: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; (2) Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm (cụ thể: (i) Điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận; (ii) Quy định về kiểm tra lô ruộng lúa thơm; (iii) Thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm; (iv) Hồ sơ, thủ tục đề nghị chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm; (v) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; (3) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này 08 Phụ lục, cụ thể: (1) Danh sách chủng loại gạo thơm xuất sang châu Âu được hưởng miễn thuế theo hạn ngạch; (2) Mẫu biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm; (3) Phương pháp kiểm tra độ thuần giống của lô ruộng lúa thơm; (4) Ghi mã hiệu lô ruộng lúa thơm kiểm tra; (5) Mẫu đơn đề nghị chứng nhận, chứng  nhận lại chủng loại gạo thơm; (6) Mẫu chứng nhận chủng loại gạo thơm; (7) Mẫu giấy chứng nhận lại chủng loại gạo thơm; (8) Mẫu báo cáo kết quả kiểm tra ruộng lúa thơm.
3. Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 09 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:  Nghị định ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm về đối tượng áp dụng trong Nghị định số 53/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 03 Điều sửa đổi một số khoản, điểm về đối tượng áp dụng, cụ thể: (1) Sửa đổi điểm a và bổ sung điểm l khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức; (2) Hiệu lực thi hành; (3) Trách nhiệm thi hành.
4. Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mần non
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.
 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non được thực hiện đến hết năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm hướng dẫn chi tiết khoản 1, khoản 2 Điều 27 và khoản 2 Điều 81 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020) về chính sách phát triển giáo dục mầm non và chính sách đối với trẻ em mầm non.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 06 chương và 16 Điều quy định quy định chính sách phát triển giáo dục mần non, cụ thể: (1) Quy định chung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; (2) Chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non; (3) Chính sách đối với trẻ em mầm non; (4) Chính sách đối với giáo viên mầm non; (5) Tổ chức thực hiện; (6) Điều khoản thi hành;
Nghị định này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ban hành kèm Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Danh sách trẻ em mẫu giáo đề nghị được hỗ trợ ăn trưa (dùng cho cơ sở giáo dục mầm non); (2) Tổng hợp kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo (dùng cho phòng giáo dục và đào tạo); (3) Đơn đề nghị trợ cấp đối với em mầm non là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp; (4) Danh sách giáo viên mầm non đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, tăng cường Tiếng Việt (dùng cho cơ sở giáo dục mầm non); (5) Danh sách giáo viên mầm non dân lập, tư thục đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ ở địa bàn có khu công nghiệp.
5. Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng  người làm việc trong đơn vị sự  nghiệp công lập
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 và thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ nhân sự quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật về vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 05 chương và 21 Điều, quy định về vị trí việc làm và số lượng  người làm việc trong đơn vị sự  nghiệp công lập, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Vị trí làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; (4) Trách nhiệm và thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban hành kèm theo Nghị định này 06 Phụ lục, cụ thể: (1) Kế hoạch số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường  xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; (2) Kế hoạch số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; (3) Tổng hợp các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; (4) Tổng hợp các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; (5) Tổng hợp vị trí việc làm và số lượng người làm việc; (6) Tổng hợp cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
6. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về tinh giảm biên chế, đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và khắc phục một số hạn chế, vướng mắc của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 Điều do Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2 và 6 Điều 4 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về nhiệm vụ, quyền hạn của sở trong việc trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; (2) Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức của sở; (3) Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc sở; (4) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 5, 8, 9, 11, 12, 16, 17 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương; (5) Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương; (6) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương III Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (7) Điều khoản chuyển tiếp; (8) Hiệu lực thi hành; (9) Trách nhiệm thi hành.
7. Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về tinh giảm biên chế, đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và khắc phục một số hạn chế, vướng mắc của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 04 Điều quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; (2) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 về người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; (3) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 về số lượng Phó Trưởng phòng; (4) Sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 6 về trách nhiệm của Trưởng phòng; (5) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 7 về Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp; (6) Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 7 về Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin; (7) Sửa đổi, bổ sung khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 7 về phòng Y tế, Thanh tra huyện, văn phòng Hội đồng nhân dân Ủy ban nhân dân; (8) Sửa đổi , bổ sung điểm b khoản 3 Điều 8 về phòng Kinh tế và Hạ tầng; (9) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 về phòng Dân tộc; (10) Sửa đổi, bổ sung Điều 9 về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (11) Sửa đổi, bổ sung Điều 11 về Ủy ban nhân dân cấp huyện; (12) Sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; (13) Điều khoản chuyển tiếp; (14) Hiệu lực thi hành; (15) Trách nhiệm thi hành.
8. Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của  Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký (ngày 15 tháng 9 năm 2020).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-TTg ngày 29 tháng 05 năm 2020.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 05 Điều quy định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, cụ thể: (1) Phạm vi áp dụng; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Gia hạn thời hạn nộp thuế, cụ thể: (i) Gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 2020 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; (ii) Quy định đối với một số trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 3; (4) Trình tự, thủ tục ra hạn: (i) Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này; (iii) Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; (iv) Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, căn cứ Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn; (5) Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Biểu mẫu Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
9.  Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.
Quyết định số 158/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi, Olympic quốc gia, Olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia và kỹ năng nghề quốc tế hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế được quy định tại Quyết định số 158/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và tình hình thực tiễn hiện nay.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 08 Điều quy định về quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng khen thưởng; (3) Tiêu chuẩn khen thưởng; (4) Thủ tục khen thưởng; (5) Mức tiền thưởng; (6) Nguồn kinh phí khen thưởng; (7) Hiệu lực thi hành; (8) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, gồm: Thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi kỹ năng nghề quốc gia; (2) Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cử tham gia, gồm: Thi Olympic quốc tế các môn học, Olympic châu Á các môn học; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế; thi kỹ năng nghề thế giới, thi kỹ năng nghề châu Á, thi kỹ năng nghề Đông Nam Á.
10. Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2022
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 18 tháng 9 năm 2020).
Các quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng đối với hàng hoá được xuất khẩu từ Việt Nam vào Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định này và hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này trong giai đoạn kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 07 Điều quy định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022; (4) Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam; (5) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam; (6) Hiệu lực thi hành; (7) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
11. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2020.
 Bãi bỏ các quy định sau đây: (1) Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; (2) Nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức được quy định tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; (3) Chương 6 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; (4) Nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Đảng về công tác cán bộ và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị đinh gồm có 05 chương và 45 Điều quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: (1) Quy định chung: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Nguyên tắc xử lý kỷ luật; Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật;  Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật; Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; (2) Các hành vi vi phạm; (3) Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức; (4) Xử lý kỷ luật đối với viên chức; (5) Thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ; (6) Thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu; (7) Thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức; (8) Thẩm quyền, trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức; (9) Quy định khác có liên quan đến xử lý kỷ luật; (10) Điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
 Nghị định áp dụng đối với: (1) Cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách (sau đây gọi chung là cán bộ); (2) Công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là công chức); (3) Viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức; (4) Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (sau đây gọi chung là người đã nghỉ việc, nghỉ hưu).
12. Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về việc quy định chi tiết Điểm đ Khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 08 Điều quy định chi tiết điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Thẩm quyền, nội dung, quy trình thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng; (4) Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư; (5) Trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng; (6) Trách nhiệm thi hành; (7) Xử lý chuyển tiếp; (8) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I về Mẫu Văn bản lấy ý kiến phối hợp về đánh giá các điều kiện để miễn giấy phép xây dựng công trình; (2) Phụ lục II về Mẫu Văn bản thông báo kết quả thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình và đánh giá điều kiện cấp phép để miễn giấy phép xây dựng công trình; (3) Phụ lục III về Mẫu Văn bản thông báo kết quả đánh giá điều kiện cấp phép để miễn giấy phép xây dựng công trình.
13. Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 116/2020/QH14 có hiệu lực thi hành và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
c) Nội dung chủ yếu: (1) Đối tượng áp dụng; (2) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; (3) Kê khai giảm thuế; (4) Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 116/2020/QH14, bao gồm: (1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; (3) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; (4) Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo Nghị định số 116/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020.
14. Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2020.
 Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức (thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào làm viên chức), thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày ban hành Nghị định này thì được tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Bãi bỏ các Nghị định sau: (1) Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; (2) Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Đảng về công tác cán bộ, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020) và sửa đổi, bổ sung chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, viên chức người dân tộc thiểu số.
c) Nội dung chủ yếu: (1) Những quy định chung; (2) Căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng; (3) Thi tuyển viên chức; (4) Xét tuyển viên chức; (5) Trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức; (6) Hợp đồng làm việc; (7) Bố trí, phân công công tác, biệt phái viên chức; (8) Chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp; (9) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu đối với viên chức quản lý; (10) Thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với viên chức quản lý; (11) Quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu; (12) Quản lý viên chức; (13) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: Đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được áp dụng các quy định tại Nghị định này để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.
Ban hành kèm theo Nghị định này là Phụ lục các biểu mẫu: (1) Phiếu Đăng ký dự tuyển; (2) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn; (3) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn (dành cho đối tượng dưới 18 tuổi); (4) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; (5) Báo cáo số lượng, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức hiện có và đề nghị số lượng chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp của từng chức danh viên chức năm...; (6) Danh sách viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
15. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục năm 2019.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương và 15 Điều quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, cụ thể: (1) Những quy định chung: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu; (2) Chính sách hỗ trợ và đóng học phí, chi phí sinh hoạt và bồi hoàn kinh phí hỗ trợ; (3) Tổ chức thực hiện; (4) Điều khoản thi hành.
 Nghị định này áp dụng đối với: (1) Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi (sau đây gọi chung là sinh viên sư phạm); (2) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm (sau đây gọi chung là cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu); các cơ sở đào tạo giáo viên và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo.
Ban hành kèm theo Nghị định Phụ lục các biểu mẫu: (1) Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt; (2) Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục.
16. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Các quy định sau đây có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành: (1) Các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 47, 115, 116, 117 điểm b khoản 1, điểm b khoản 4 Điều 52 và các điểm a, b khoản 2, các điểm b, đ khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 57 Nghị định này; (2) Các điều 1, 2, 3, 4, 103, 104, 105, 106, 107, 108, 109, 110, 111, 112, 113 và 114 được áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản này;
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hết hiệu lực toàn bộ kể từ ngày từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hết hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 04 chương và 117 Điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể: (1) Quy định chung: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức; (2) Hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; (3)  Hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh; (4) Hành vi vi phạm hành chính về dược và mỹ phẩm; (5) Hành vi vi phạm hành chính về trang thiết bị y tế; (6) Hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; (7) Hành vi vi phạm hành chính về dân số; (8) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; (9) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết tắt là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan. (2) Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, bao gồm: a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện); b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; c) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (trừ nhà đầu tư là cá nhân) và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; đ) Đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; e) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; g) Tổ hợp tác; h)Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật. (3) Hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân.
17. Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 14 tháng 9 năm 2020).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 12 Điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) Nguyên tắc áp dụng tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; (3) Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; (4) Nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; (5) Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương; (6) Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho bộ, cơ quan trung ương; (7) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương; (8) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương; (9) Quy định chuyển tiếp; (10) Tổ chức thực hiện; (11) Hiệu lực thi hành; (12) Trách nhiệm thi hành.
18. Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Đối với các lô hàng đã được đưa vào kho ngoại quan trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn gửi kho ngoại quan. Sau khi hết thời hạn lưu giữ tại kho ngoại quan theo quy định tại Điều 61 Luật Hải quan mà không thực xuất được thì buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập ban đầu.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định ban hành nhằm quy định cụ thể các danh mục hàng hoá nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm có 4 Điều quy định về danh mục hàng hoá nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Danh mục hàng hoá nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan; (4) Điều khoản thi hành; Trong Điều 4 quy định, đối với các lô hàng đã được đưa vào kho ngoại quan trước ngày quyết định này có hiệu lực thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn gửi kho ngoại quan. Sau khi hết thời hạn lưu giữ tại kho ngoại quan theo quy định tại Điều 61 Luật Hải quan mà không xuất được thì buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập ban đầu.
 Quyết định áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục quy định tại Điều 3 Quyết định này; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan và lực lượng chức năng liên quan; (3 Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục quy định tại Điều 3 Quyết định này.
19. Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 và thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định ban hành nhằm ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 Điều quy định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cụ thể: (1) Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; (2) Quy định về lộ trình đối với một số loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; (3) Điều khoàn chuyển tiếp; (4) Điều khoản thi hành.
20. Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
a) Hiệu lực thi hành:  Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định ban hành nhằm thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
c) Nội dung chủ yếu: (1) Thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; (2) Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; (3) Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; (4) Lộ trình và kế hoạch phát triển; (5) Điều khoản thi hành.
21. Quyết định số 30/2020/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn triển khai thi thành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017.
c) Nội dung chủ yếu: (1) Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017; (2) Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020; (3) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2020, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: