I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 02 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 18/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ về nghi lễ đối ngoại;
2. Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ;
2. Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 18/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ về nghi lễ đối ngoại
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2022.
Nghị định này thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành Nghị định: Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với đối ngoại và hội nhập quốc tế quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Chính phủ; Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghi lễ đối ngoại của Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước); Khắc phục các bất cập, nhược điểm của Nghị định số 145/2013/NĐ-CP; Tạo cơ sở pháp lý lâu dài, đảm bảo việc triển khai thực hiện nghi lễ đối ngoại được thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu đối ngoại với tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong tình hình mới.
- Mục đích ban hành Nghị định: Xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về nghi lễ đối ngoại mang tính ổn định dài hạn làm cơ sở để các cơ quan Việt Nam thực hiện thống nhất ở trong nước; Nghị định đảm bảo tính phổ quát, có thể được dịch ra tiếng nước ngoài để phổ biến cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các đoàn khách nước ngoài đến thăm Việt Nam biết và phối hợp thực hiện.
c) Nội dung chủ yếu:
- Nghị định quy định về Nghi lễ đối ngoại bao gồm 44 Điều được chia thành 8 Chương.
- Phạm vi điều chỉnh của nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm: Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác; Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao; Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các cơ quan Đảng và Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nghi lễ đối ngoại quy định tại phạm vi điều chỉnh nói trên.
- Các điểm mới: (i) Điều chỉnh danh nghĩa các chuyến thăm cấp cao; (ii) Bổ sung tiêu chí, các biện pháp nghi lễ cho chuyến thăm cấp nhà nước của Nguyên thủ quốc gia nước khách; (iii) Quy định về chuyến thăm mang hai danh nghĩa Đảng và Nhà nước; (iv) Bổ sung quy định về đón tiếp Người đứng đầu đảng cầm quyền không giữ chức vụ nhà nước là khách mời của Tổng Bí thư; (v) Bổ sung quy định đón tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm nội bộ; quy định về bố trí làm việc và chiêu đãi đoàn khách cấp cao nước ngoài quá cảnh; bổ sung, điều chỉnh quy định về người tháp tùng; (vi) Bổ sung quy định về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao; (vii) Bổ sung quy định Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc trình Ủy nhiệm thư lên Thủ tướng Chính phủ; (viii) Quy định cụ thể về việc chào xã giao, chào từ biệt của Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam; (ix) Điều chỉnh quy định về tổ chức chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh 2/9 và Tết Nguyên đán.
2. Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Triển khai thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ Quốc phòng xây dựng Nghị định quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định tại khoản 3 Điều 39; các điểm a, b Khoản 1, các điểm a, c Khoản 3 và khoản 5 Điều 40; các điểm a, b Khoản 1 và khoản 4 Điều 41; các khoản 2, 3 Điều 42 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, để bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của văn bản trong hệ thống pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 11 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu, phục viên; công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội hy sinh, từ trần; quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội theo quy định tại khoản 3 Điều 39; các điểm a, b Khoản 1, các điểm a, c Khoản 3 và khoản 5 Điều 40; các điểm a, b Khoản 1 và khoản 4 Điều 41; các khoản 2, 3 Điều 42, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
3. Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 15/04/2022 và thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.
Quy định về chuyển tiếp: Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ đã được quyết định chủ trương trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện áp dụng tiêu chuẩn, định mức theo Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg. Trường hợp kế hoạch, dự toán mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ đã trình cấp có thẩm quyền nhưng chưa được quyết định chủ trương hoặc đã được quyết định chủ trương trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng có điều chỉnh các nội dung sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành Quyết định:
Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Qua 05 năm thực hiện Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg, đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn nhà ở công vụ, tạo điều kiện cho các cán bộ được điều động, luân chuyển từng bước ổn định cuộc sống, an tâm công tác. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì cũng đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung của Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg, gồm 03 nhóm vấn đề: 1) Một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan; (2) Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về chức danh, vị trí việc làm của các cán bộ thuê nhà ở công vụ; (3) Một số nội dung liên quan đến việc quy định loại nhà ở công vụ và định mức trang thiết bị nội thất chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Qua rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng nhận thấy, cần thiết phải xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương và Bộ ngành trong việc áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các địa phương, Bộ ngành có cơ sở triển khai thực hiện.
- Cơ sở pháp lý:
+ Khoản 2 Điều 31 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
+ Khoản 2 Điều 26 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức, tiêu chuẩn nhà ở công vụ.
+ Văn bản số 8940/VPCP-CN ngày 27/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.
- Mục đích ban hành Quyết định:
+ Nội dung quy định trong Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg nằm trong phạm vi, thẩm quyền được Quốc hội giao trong Luật Nhà ở năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Cảnh vệ năm 2017.
+ Việc sửa đổi, thay thế các quy định tại Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập mà các Bộ ngành và địa phương, các tổ chức, cá nhân đang gặp vướng mắc khi thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ gồm 3 Chương, 9 Điều.
- Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định: Tiêu chuẩn diện tích đất, diện tích sử dụng và định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ.
- Đối tượng áp dụng: Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở công vụ, đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ; Các đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bố trí cho thuê nhà ở công vụ.
- Nội dung: Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg về cơ bản kế thừa nội dung về tiêu chuẩn diện tích đất, tiêu chuẩn diện tích nhà, định mức trang thiết bị nội thất của Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung để đồng bộ pháp luật và phù hợp thực tiễn, bao gồm những nội dung chính như sau: quy định cụ thể tiêu chuẩn nhà ở công vụ, quy định các chức danh được bố trí cho thuê nhà ở công vụ đối với cơ quan Trung ương và địa phương; tiêu chuẩn nhà ở công vụ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ..., cụ thể:
+ Tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với cơ quan Trung ương
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bố trí cho thuê biệt thự công vụ, diện tích đất khuôn viên từ 450 m2 đến 500 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho biệt thự công vụ này là 350 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp tương đương trở lên được bố trí cho thuê biệt thự công vụ diện tích đất khuôn viên từ 350 m2 đến 400 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho biệt thự công vụ này là 300 triệu đồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đảng ở Trung ương, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng, Trưởng Đoàn thể Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ và cấp tương đương trở lên được bố trí cho thuê một trong hai loại hình nhà ở công vụ sau: Nhà liền kề diện tích đất từ 200 m2 đến 250 m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 145 m2 đến 160 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho nhà liền kề hoặc căn hộ chung cư công vụ này là 250 triệu đồng.
Phó Trưởng Ban Đảng Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và cấp tương đương trở lên được bố trí cho thuê căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 100 m2 đến 145 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời căn hộ chung cư công vụ này là 200 triệu đồng.
+ Tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với địa phương
Bí thư tỉnh ủy và cấp tương đương được bố trí cho thuê một trong hai loại hình nhà ở công vụ sau: Nhà liền kề diện tích đất từ 200 m2 đến 250 m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 145 m2 đến 160 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho nhà liền kề và căn hộ chung cư công vụ này là 250 triệu đồng.
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương trở lên được bố trí một trong hai loại hình nhà ở công vụ sau: Nhà liền kề diện tích đất từ 120 m2 đến 150 m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 100 m2 đến 145 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho nhà liền kề và căn hộ chung cư công vụ này là 200 triệu đồng
Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở và cấp tương đương trở lên, chuyên viên cao cấp, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hoặc viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) thuộc các đơn vị sự nghiệp có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tương đương Giám đốc Sở trở lên được bố trí cho thuê căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 80 m2 đến 100 m2, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời căn hộ chung cư công vụ này là 150 triệu đồng.
Cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê gian nhà diện tích sử dụng từ 36 m2 đến 48 m2 (không kể diện tích công trình phụ), định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cho gian nhà này là 80 triệu đồng.
Cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có vị trí việc làm chuyên môn phù hợp đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê gian nhà tập thể diện tích sử dụng từ 24 m2 đến 36 m2 (không kể diện tích công trình phụ); diện tích bình quân tối thiểu 12m2/người, định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cho gian nhà tập thể này là 60 triệu đồng.
+ Tiêu chuẩn nhà ở công vụ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Bộ Quốc phòng căn cứ Quyết định này xây dựng tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng, phối hợp với Bộ Xây dựng để thống nhất về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Công an căn cứ Quyết định này xây dựng tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, phối hợp với Bộ Xây dựng để thống nhất về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn nhà ở công vụ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
+ Về nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ
Kinh phí cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ sử dụng từ vốn ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;
Trang bị nội thất gắn với nhà ở công vụ đã được tính vào chi phí đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, bao gồm: Hệ thống máy điều hòa nhiệt độ; tủ bếp đồng bộ (bao gồm tủ bếp, chậu, vòi rửa, bếp, máy hút mùi); bình nóng lạnh; thiết bị vệ sinh đồng bộ;
Trang bị nội thất dời không gắn với nhà ở công vụ quy định mức kinh phí tối đa tại Quyết định này bao gồm: Bộ bàn ghế phòng khách, kệ ti vi; bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh; tủ quần áo, giường, đệm, bộ bàn ghế làm việc; máy giặt;
Việc trang bị nội thất phải lập kế hoạch, dự toán ngân sách đầu tư, mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ, thực hiện dự toán và thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
4. Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Trong 5 năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai thực hiện có hiệu quả ở các địa phương trên cả nước, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị; cơ sở hạ tầng nông thôn được phát triển đồng bộ, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Thông qua Cuộc vận động đã động viên nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Cuộc vận động đã góp phần cùng với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh xã hội hoá, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, sự đồng thuận trong xã hội, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân các dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thể hiện sự đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cuộc vận động đã được Ban Bí thư, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện. Thông qua việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đã tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nghị quyết Liên tịch số 88/NQLT/CP- ĐCTUBTWMTTQVN về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là cơ sở quan trọng trong để MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh và chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian qua.
Việc thực hiện xây dựng đô thị văn minh, đã tạo chuyển biến tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc về đô thị, xây dựng đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp. Ý thức chấp hành các quy chế, quy định về quản lý đô thị của người dân được cải thiện. Tình trạng mái che, mái vẩy lấn chiếm lòng đường, hè phố tại nhiều tuyến phố cơ bản được khắc phục. Nhiều địa phương duy trì, nhân rộng hiệu quả các mô hình: “Đường phụ nữ tự quản”, “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Khu dân cư không rác, tuyến phố văn minh”, tuyến đường hoa, công trình giao thông, bảo đảm cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp... Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị văn minh thông qua các hoạt động như: xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị, xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị... Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt nội dung này như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động phong trào “Năm văn minh đô thị” được triển khai đến từng địa bàn, khu dân cư trong thành phố với các nội dung, tiêu chí cụ thể. Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng thực hiện tốt công tác chỉnh trang, quy hoạch đô thị; xây dựng các tuyến đường văn minh, sạch đẹp theo hình thức: chính quyền thực hiện hỗ trợ xi măng, gạch lát vỉa hè, Mặt trận tổ quốc các cấp tham gia vận động nhân dân đóng góp vật tư, tiền công, hiến đất để cải tạo, mở rộng, chỉnh trang đường, ngõ đô thị được bê tông hóa, có hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh trên nhiều tuyến đường. Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án xây dựng văn hóa, văn minh đô thị với mục tiêu phấn đấu 80% xã, phường không có quảng cáo rác, 100% hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, 60% tuyến phố đạt chuẩn tuyến phố văn minh.
Thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Diện mạo đô thị của thành phố có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ, nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, mở rộng, các khu đô thị, khu dân cư mới cùng với các trung tâm tài chính, thương mại, siêu thị hiện đại được đầu tư đồng bộ. Một trong những đột phá làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng đô thị văn minh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể:
Một là, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã triển khai được 5 năm đến nay vẫn chưa ban hành tiêu chí đô thị văn minh dẫn đến khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhất là ở cơ sở. Do vậy, việc xây dựng đô thị văn minh phát triển không đồng đều ở các khu vực, vùng, miền. Tác động của cuộc vận động đến đời sống văn hóa - xã hội còn hạn chế, kết quả đạt được chưa vững chắc, chưa đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội.
Hai là, Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhiều nơi còn đơn điệu và thiếu tập trung, chưa tạo được động lực hấp dẫn để cuốn hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thực hiện. Nhiều điển hình tiên tiến, hạt nhân chưa được nhân rộng.
Ba là, ở nhiều đô thị còn các biểu hiện vi phạm trật tự xây dựng, an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, quảng cáo, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị; văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn hạn chế… nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm.
Bốn là, hiện nay, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đang báo động gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.
Với những lý do nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh là hết sức cần thiết. Sự ra đời của Quyết định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xét công nhận đô thị văn minh đảm bảo đúng nguyên tắc, thống nhất; khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa-xã hội của đất nước.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 3 Điều, Quy định kèm theo gồm 04 Chương, 16 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Mục đích; Nguyên tắc công nhận; Thẩm quyền công nhận; Các tiêu chí và cách đánh giá công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; Trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận đô thị văn minh; Tổ chức thực hiện.
Nội dung cơ bản của Quy định như sau:
- Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích (Điều 1, Điều 2)
Quy định này quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận phường thuộc quận, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là phường, thị trấn); quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) đạt chuẩn đô thị văn minh.
Mục đích xây dựng cảnh quan đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực đô thị. Khuyến khích, vận động toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Nguyên tắc công nhận, thẩm quyền công nhận (Điều 3, Điều 4)
Việc xét công nhân đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch; đúng tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về thẩm quyền công nhân đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận đối với phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
- Các tiêu chí đánh giá và điều kiện xét công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (Điều 5)
+ Tiêu chí đánh giá gồm:
Tiêu chí 1: Quy hoạch đô thị
Tiêu chí 2: Giao thông đô thị
Tiêu chí 3: Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị
Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị
Tiêu chí 5: Thông tin, truyền thông đô thị
Tiêu chí 6: Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị
Tiêu chí 7: Văn hóa, thể thao đô thị
Tiêu chí 8: Y tế, giáo dục đô thị
Tiêu chí 9: Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị
+ Điều kiện xét công nhận:
Có đăng ký Phường, Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp Huyện.
Đạt các tiêu chí và nội dung đánh giá theo quy định tại Phụ lục I.
Có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
- Tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí Phường, Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, hồ sơ đề nghị công nhận (Điều 6, Điều 7)
Quyết định quy định cụ thể về tổ chức tự đánh giá và tổ chức lấy ý kiến.
Về hồ sơ công nhận Phường hoặc Thị trấn nơi đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh lập hồ sơ bao gồm Tờ trình; Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh; Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp Phường, Thị trấn về kết quả lấy ý kiến hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh của người dân; Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cấp Phường, Thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội về kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh.
- Trình tự, thủ tục công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, công bố kết quả công nhận (Điều 8, Điều 9)
Trình tự công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh: Ủy ban nhân dân phường, thị trấn lập hồ sơ theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị công nhận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Về công bố kết quả công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố danh sách phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của huyện. Thời hạn công bố danh sách là không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định công nhận.
- Tiêu chí đánh giá và điều kiện xét, công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh (Điều 10)
+ Tiêu chí đánh giá gồm:
Tiêu chí 1: Quy hoạch đô thị
Tiêu chí 2: Giao thông đô thị
Tiêu chí 3: Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị
Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị
Tiêu chí 5: Thông tin, truyền thông đô thị
Tiêu chí 6: Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị
Tiêu chí 7: Văn hóa, thể thao đô thị
Tiêu chí 8: Y tế, giáo dục đô thị
Tiêu chí 9: Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị
+ Điều kiện xét, công nhận: Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Đạt các tiêu chí và nội dung đánh giá theo quy định tại Phụ lục II; Có 100% Phường, Thị trấn trực thuộc được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; Có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, hồ sơ đề nghị công nhận (Điều 11, Điều 12): Quyết định quy định cụ thể về tổ chức tự đánh giá và tổ chức lấy ý kiến; Quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh nơi đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh lập hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh; Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cấp quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh tỉnh về kết quả lấy ý kiến hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh của người dân; Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cấp quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội về kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.
- Trình tự, thủ tục công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, công bố kết quả công nhận (Điều 13, Điều 14):
Trình tự công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh: Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh lập hồ sơ theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị công nhận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Về công bố kết quả công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố danh sách phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của tỉnh. Thời hạn công bố danh sách là không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định công nhận.
- Tổ chức thực hiện (Điều 15, Điều 16): Quyết định quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp việc tổ chức triển khai; phân công trách nhiệm cho Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang Bộ; giao Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện tại địa phương; đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo và giám sát.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2022, Bộ Tư pháp xin thông báo./.