Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Giấy phép, chứng chỉ hành nghề không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề); tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS.
Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc xin lỗi, đính chính trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử; buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; buộc tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người nhiễm HIV; buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế; buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, khử khuẩn, tẩy uế trong vùng có dịch; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy động vật, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A; buộc tiêu hủy thực phẩm, sản phẩm vi phạm; sinh phẩm chẩn đoán đã hết hạn sử dụng; buộc tiếp nhận và thực hiện việc mai táng, hỏa táng; buộc khôi phục lại vị trí công tác.
Hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng bao gồm: Vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm; Vi phạm các quy định về an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; Vi phạm các quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; Vi phạm các quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vi phạm các quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; Vi phạm các quy định về áp dụng biện pháp chống dịch; Vi phạm các quy định về kiểm dịch y tế biên giới; Vi phạm các quy định khác về y tế dự phòng.
Hành vi vi phạm hành chính về môi trường y tế bao gồm: Vi phạm các quy định vệ sinh về nước và không khí; Vi phạm các quy định về mai táng, hỏa táng; Vi phạm các quy định về vệ sinh lao động; Vi phạm các quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Vi phạm các quy định khác về môi trường y tế.
Hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: Vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS; Vi phạm các quy định về tư vấn và xét nghiệm HIV; Vi phạm các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV; Vi phạm các quy định về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; Vi phạm các quy định của pháp luật về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV; Vi phạm các quy định khác của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2011.
Bãi bỏ các Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.