Nghị định quy định 07 nhóm hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm: Vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng; vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; vi phạm quy định về nhãn năng lượng; vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ; vi phạm, cản trở hoạt động công vụ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được phát hiện. Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được phát hiện.
Có 02 hình thức xử phạt hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là Cảnh cáo và Phạt tiền; 02 hình thức xử phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gây thiệt hại.
Mức xử phạt một số hành vi vi phạm như sau:
- Vi phạm quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng (vi phạm quy định về đội ngũ giảng viên, tài liệu giảng dạy, cơ sở vật chất…) bị phạt tiền từ 10 đồng đến 30 triệu đồng.
- Hành vi sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên giả mạo, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kiểm toán viên để thực hiện kiểm toán thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
- Hành vi để hệ thống chiếu sáng công cộng hoạt động ngoài khung giờ theo mùa, vùng, miền do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
- Hành vi sử dụng phương tiện vận tải thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải thì bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Hành vi cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, kết quả thử nghiệm đạt tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đạt tiêu chuẩn thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với vi phạm lần thứ nhất, từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm lần thứ hai, từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm lần thứ ba.
- Hành vi sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là thanh tra viên chuyên ngành công thương đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2011.