Liên kết website

. Thông tư số 62/2011/TT-BCA ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Bộ Công an quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy

12/10/2011

Ngày 07/9/2011, Bộ Công an ban hành Thông tư số 62/2011/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy.

Đối tượng áp dụng bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường thủy thuộc Cục Cảnh sát đường thủy: Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy.

Yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát: Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được phân công trong quá trình tuần tra, kiểm soát; khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, đúng mực; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội….

Tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát: có trình độ Trung cấp Công an trở lên, biết bơi. Đối với trường hợp tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân; có Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát đường thủy do Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy cấp theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Các chiến sỹ khi làm nhiệm vụ được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ gồm: tàu, xuồng và các phương tiện thủy khác; ô tô, mô tô phục vụ tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Thiết bị đo lưu tốc dòng chảy, đo độ sâu; Thiết bị đo cường độ ánh sáng, âm thanh; Máy đo nồng độ cồn; Đèn tia cực tím; Máy quay ghi hình, ghi âm, chụp ảnh; Máy bộ đàm, điện thoại, Fax; ống nhòm la bàn, hải đồ…)

Thông tư cũng quy định các quyền và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sỹ khi tuần tra, kiểm soát: bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho phương tiện thủy được quyền ưu tiên khi làm nhiệm vụ đặc biệt; bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn, tham gia giải quyết tai nạn giao thông …được dừng phương tiện thủy nội địa, tàu cá, tàu biển hoạt động trên đường thủy nội địa khi có căn cứ cho rằng phương tiện đó vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, an ninh, trật tự; xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, các lĩnh vực khác theo quy định; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Hình thức tuần tra, kiểm soát: tuần tra, kiểm soát lưu động; kiểm soát tại một điểm trên tuyến; kiểm soát tại trạm.

Nội dung tuần tra, kiểm soát : kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện; bằng, chứng chỉ lái phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của người làm việc trên phương tiện…; kiểm soát điều kiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của các thiết bị neo, lái, chằng buộc, lai dắt, trang bị cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa, hệ thống tín hiệu …

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/10/2011; những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Các tin đã đưa ngày: