Luật Khiếu nại năm 2011 gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Bên cạnh việc kế thừa những quy định liên quan đến việc giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật Khiếu nại năm 2011 đã bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Theo đó, nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại. Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại (Khoản 4, Điều 8). Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này (Khoản 3, Điều 31).
Trình tự khiếu nại cũng được đổi mới so với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Theo quy định của Luật thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định thi hành, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại như trước đây (Điều 7).
Luật Khiếu nại quy định khiếu nại sẽ không được xem xét, giải quyết nếu đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại (Điều 8). Luật Khiếu nại cũng quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, trong đó trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được uỷ quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại (điểm a, khoản 1, Điều 12). Luật cũng đã quy định cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ.
Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cũng là một trong những nội dung mới của Luật Khiếu nại (Mục 4, Chương III). Cụ thể: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày; Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày; Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính; Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay. Luật cũng xác định những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực; Đối với khiếu nại đã được thụ lý giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.