Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trong 10 nhóm: Về pháp luật; Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Về hợp tác quốc tế; Về cải cách hành chính; Về quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; Về doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; Về hội, tổ chức phi Chính phủ; Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng viên chức; Về cán bộ, công chức, viên chức; Về kiểm tra, thanh tra; Về quản lý tài chính, tài sản.
Các tổ chức thuộc Bộ gồm: Vụ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục; Tổng cục. Các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; Báo; Tạp chí; Trung tâm Thông tin hoặc Tin học; Trường hoặc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Học viện thuộc Bộ. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bộ không quá 03 người (các quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định này không áp dụng đối với cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).
Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của Bộ theo quy định. Bộ trưởng chịu trách nhiệm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ; chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung các dự án, chương trình, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chuẩn bị; ban hành Quy chế làm việc của Bộ và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế đó; quyết định các công việc thuộc phạm vi quản lý của Bộ và chịu trách nhiệm về các quyết định đó; lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó. Đối với Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách; giải quyết các đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình và trả lời bằng văn bản trong thời hạn pháp luật quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012 và thay thế Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.