Luật giá quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
Luật giá đã khẳng định nguyên tắc quản lý giá là từ mô hình kinh tế tổng quát của nước ta là xây dựng “nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” thì cơ chế giá phù hợp với mô hình đó là: “Cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.
Luật giá quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh giá.
Luật giá quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá. Luật giá cũng đã quy định rõ hơn về nghĩa vụ niêm yết giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
Luật giá quy định tiêu chí, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (như: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm, phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vac – xin phòng bệnh cho giá súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật). Việc bình ổn giá được thực hiện trong các trường hợp như: khi hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá có biến động bất thường; khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ngoài ra, Luật cũng quy định một số biện pháp bình ổn giá khác như: Điều hòa cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và xuất, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật; lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có và áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế; định giá cụ thể…
Luật giá quy định cụ thể hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đó là hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Về kiểm tra yêu tố hình thành giá, đây là điểm mới so với Pháp lệnh giá. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ phải kiểm tra yếu tố hình thành giá trong các trường hợp sau: khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bình ổn giá, định giá; khi giá có biến động bất thường và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Về thẩm định giá, Luật quy định nguyên tắc hoạt động thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá, cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá của Nhà nước. Việc quy định hoạt động thẩm định giá của Nhà nước là điểm mới so với Pháp lệnh giá. Luật giá quy định Nhà nước chỉ thực hiện thẩm định giá trong các trường hợp sau: mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá; mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước; mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.