Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng
Nghị định này quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Nghị định đã phân loại hợp đồng xây dựng theo các tiêu chí: Theo tính chất công việc (hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công xây dựng công trình, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình, hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình và hợp đồng tổng thầu chìa khoá trao tay) và theo giá hợp đồng (hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hợp đồng theo thời gian và hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm (%)).
Theo Nghị định, hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6 và 7 Điều 4 Nghị định;
- Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên và đóng dấu;
- Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật.
Chương II Nghị định quy định cụ thể các thông tin về hợp đồng xây dựng; nội dung và khối lượng công việc, yêu cầu chất lượng và tiến độ thực hiện; giá hợp đồng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng; điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng; tạm ngừng, chấm dứt, thưởng, phạt do vi phạm hợp đồng xây dựng; khiếu nại và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng và các nội dung khác của hợp đồng xây dựng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng hết hiệu lực thi hành.