Tại Nghị định này, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; bình đẳng trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; biên soạn tài liệu về công tác gia đình; Tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình (như tư vấn, giáo dục trước hôn nhân; cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng và tổ chức cuộc sống gia đình, lồng ghép phù hợp nội dung giáo dục đời sống gia đình vào chương các cấp học; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình; xây dựng và hướng dẫn nhân rộng các mô hình gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững)…
Theo quy định tại Nghị định, hằng năm, tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28 tháng 6) nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác gia đình.
Kinh phí dành cho các hoạt động về công tác gia đình của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí cho công tác gia đình thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/02/2013.