Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân và hỗ trợ nguồn lực cho cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân. Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao môi trường
Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải đáp ứng các điều kiện: Có trụ sở làm việc ổn định, thuận tiện giao thông; diện tích đất tự nhiên tối thiểu 15 m2/nạn nhân; diện tích phòng ở bình quân 05 m2/nạn nhân; có trang thiết bị, phương tiện phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; có ít nhất 05 nhân viên, trong đó 02 nhân viên có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành công tác xã hội và nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi dự kiến đặt trụ sở.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ văn bản đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc cấp Giấy phép thành lập trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Giấy phép thành lập có thời hạn tối đa là 05 năm
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật; có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân theo quy định của pháp luật; được tuyển dụng lao động làm việc tại cơ sở; được huy động các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân
Nạn nhân bị mua bán được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:
- Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân (không quá 60 ngày); hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết (02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng); hỗ trợ tiền tàu xe theo giá phương tiện công cộng phổ thông.
- Hỗ trợ y tế gồm: chi phí khám bệnh và chi phí chữa bệnh, được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe. Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế do nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân tự thanh toán. Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng.
- Hỗ trợ tâm lý, gồm: tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm.
- Trợ giúp pháp lý gồm: Tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.
- Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, gồm: Nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật hiện hành; Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề; Nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Hỗ trợ vay vốn: Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.