Theo đó, căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới một trong hai hình thức là giám sát đặc biệt (tức là giám sát hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng) hoặc kiểm soát toàn diện (là kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng)
Khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng thì phải thông báo quyết định đó tới Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân); Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Ngân hàng hợp tác xã (kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân); Bộ Tài chính (kiểm soát đặc biệt là công ty niêm yết hoặc tổ chức tín dụng có công ty con hoặc công ty kiểm soát hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm); UBND cấp tỉnh nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính; UBND cấp xã, cấp huyện (đối với quỹ tín dụng nhân dân). Đồng thời phải công bố thông tin kiểm soát đặc biệt bằng cách đăng trên báo Trung ương hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng ít nhất 03 số liên tiếp hoặc tổ chức họp báo hoặc đăng tải tin trên website của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoặc của Ngân hàng Nhà nước hoặc công bố tại Đại hội đồng cổ đông.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để thực hiện Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Thành viên Ban kiểm soát đặc biệt là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước trưng tập. Ban kiểm soát đặc biệt có nhiệm vụ: Chỉ đạo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người đại diện tổ chức tín dụng xây dựng Phương án; chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung giám sát đặc biệt, nội dung kiểm soát toàn diện và các giải pháp được nêu trong Phương án đã được phê duyệt; định kỳ hoặc khi cần thiết, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về diễn biến quản trị, hoạt động, tài chính của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động, tình hình tài chính, quản trị, nhân sự, công nghệ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo, giám sát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong việc tăng vốn điều lệ; xây dựng và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; Xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác thực hiện tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; cung cấp thông tin có liên quan về tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…
Thời hạn kiểm soát đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong Quyết định kiểm soát đặc biệt. Có thể gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có triển vọng phục hồi hoạt động bình thường hoặc tổ chức tín dụng cần có thêm thời gian để tiến hành các thủ tục sáp nhập, hợp nhất mua lại.
Tổ chức tín dụng được chấm dứt kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật Các tổ chức tín dụng. Đối với tổ chức tín dụng được NHNN chấm dứt kiểm soát đặc biệt do không khôi phục được khả năng thanh toán thì tổ chức tín dụng đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/4/2013. Thông tư số 08/2010/TT-NHNN ngày 22/3/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng và Quyết định số 92/2001/QĐ-NHNN ngày 08/02/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.