Thông tư này hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận và tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định. Trường hợp điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng, lãnh thổ liên quan đến việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định có quy định khác với Thông tư này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận đó.
Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật có chức năng hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận. Tổ chức chứng nhận hợp quy có ít nhất 05 chuyên gia đánh giá thuộc biên chế chính thức (có trình độ tốt nghiệp Đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đánh giá, chứng nhận, trong đó có ít nhất 03 chuyên gia có kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên; có chứng chỉ hoàn thành các lớp tập huấn định kỳ hằng năm về an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm tổ chức).
Tổ chức đáp ứng các yêu cầu trên khi có nhu cầu tham gia hoạt động chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thì lập hồ sơ đăng ký và gửi 01 (một) bộ hồ sơ về Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Trong thời hạn không quá ba mươi ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan tiếp nhận tiến hành xem xét hồ sơ, thực hiện đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ban hành quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy (theo mẫu). Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định không quá ba (03) năm. Trong trường hợp từ chối việc chỉ định, cơ quan tiếp nhận phải thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho tổ chức đã nộp hồ sơ đăng ký.
Trong quá trình hoạt động, cơ quan chỉ định sẽ kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất hoạt động của tổ chức chứng nhận. Khi tổ chức chứng nhận vi phạm pháp luật, cơ quan chỉ định ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của tổ chức chứng nhận cho đến khi tổ chức chứng nhận tiến hành khắc phục các vi phạm. Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày tạm thời bị đình chỉ, tổ chức chứng nhận không khắc phục được vi phạm đã phát hiện thì cơ quan chỉ định sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chỉ định đã cấp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 năm 2013.
Ban hành kèm theo Thông tư Mẫu Giấy đăng ký chỉ định hoạt động chứng nhận hợp quy, Mẫu danh sách cán bộ, nhân viên/chuyên gia đánh giá của tổ chức chứng nhận hợp quy, Mẫu danh mục tài liệu phục vụ chứng nhận hợp quy, Mẫu quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, Mẫu báo cáo tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy.