Theo đó, ODA và vốn vay ưu đãi là nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp.
Một số lĩnh vực được ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, giảm nghèo, dân số và phát triển; phát triển khoa học công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tăng cường năng lực thể chế và cải cách hành chính; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh….
Căn cứ vào khả năng thu hồi vốn, vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ được cấp phát hoặc cho vay: Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; ngân sách nhà nước sẽ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn áp dụng đối với các chương trình, dự án có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn; các chương trình, dự án không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; …
Sau khi chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong thời hạn 30 ngày, chủ dự án phải thành lập Ban quản lý dự án. Trường hợp chủ dự án thuê tư vấn quản lý chương trình, dự án thì tổ chức tư vấn đó phải có đủ điều kiện, năng lực tổ chức quản lý phù hợp với quy mô, tính chất của chương trình, dự án.
Chủ dự án không cần thành lập Ban quản lý dự án trong các trường hợp sau: chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại có tổng mức vốn dưới 200.000 đô la Mỹ; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại có tổng mức đầu tư dưới 350.000 đô la Mỹ; các chương trình, dự án khu vực, các chương trình ngành, hỗ trợ ngân sách, các khoản viện trợ phi dự án.
Cơ quan chủ quản có trách nhiệm tổ chức thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá chương trình, dự án ở cấp cơ quan chủ quản, tổ chức kiểm tra các chương trình, dự án này ít nhất mỗi năm một lần và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác giám sát và đánh giá.
Chế độ báo cáo: chủ dự án lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án, bao gồm: báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm và báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc thực hiện chương trình, dự án; báo cáo về những thay đổi so với các nội dung của điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết; báo cáo cho nhà tài trợ.
Cấp quốc gia: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính định kỳ 6 tháng và cả năm lập báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 31 tháng 7 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 01 của năm sau.
Nghị định cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Kế hoạch, đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh….về công tác quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2013 và thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.