Sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học phải đáp ứng hai điều kiện sau: Sinh vật biến đổi gen đã được khảo nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, kết quả khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận đạt yêu cầu; sinh vật biến đổi gen được Hội đồng an toàn sinh học kết luận là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học.
Sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
Thứ nhất, sinh vật biến đổi gen được Hội đồng an toàn thực phẩm hoặc Hội đồng an toàn thức ăn chăn nuôi biến đổi gen thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi kết luận sinh vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người hoặc đối với vật nuôi.
Thứ hai, sinh vật biến đổi gen được ít nhất 05 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, lưu giữ sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen phải tuân theo những điều kiện nhất định như: sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng; có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện…
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mối thành phần phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2010, bãi bỏ Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ngày 28/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen./.