Theo đó, mục tiêu chung của các chương trình là: Sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Jrai, Khmer hoặc Mông, học viên có được kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản về dạy các tiếng trên cho học sinh dân tộc Jrai, Khmer, Mông học các tiếng này ở các cơ sở giáo dục phổ thông và người học học các tiếng này trong các trung tâm giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là người học) để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học.
Đối tượng bồi dưỡng là giáo viên dạy môn tiếng Jrai, Khmer, Mông trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; các đối tượng có nguyện vọng giảng dạy môn tiếng Jrai, Khmer, Mông nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy các tiếng này cũng được xem xét cho phép tham dự các lớp bồi dưỡng theo chương trình này.
Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu cho mỗi thứ tiếng là 165 tiết.
Phương pháp bồi dưỡng, cần giảm thời lượng lên lớp và giảng dạy lý thuyết, tăng thời lượng tự học, tự nghiên cứu, tăng cường học tập tương tác, thực hành và rút kinh nghiệm qua thực tế dạy học cho học viên, tạo điều kiện cho học viên chủ động, tích cực trong học tập.
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy các tiếng này được thực hiện bởi các trường, khoa sư phạm có đủ năng lực bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm về dạy học các tiếng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ. Hình thức tổ chức bồi dưỡng cần linh hoạt cho phù hợp với đối tượng, có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt nhưng phải đảm bảo thời lượng theo quy định của chương trình.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chỉ đánh giá và xét kết quả học tập cho những học viên có mặt và tham gia tích cực các hoạt động học tập trên lớp tối thiểu 80% số tiết của học phần và thực hiện đầy đủ các bài tập được giao. Kết quả học tập của học viên được đánh giá qua các bài tập lớn, bài thi giữa học phần, bài thi kết thúc học phần, bài kiểm tra thực hành giảng dạy được quy định trong đề cương chi tiết của học phần.
Kết quả học tập các học phần là căn cứ để các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng xét cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa bồi dưỡng cho giáo viên dạy các tiếng này ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2013.