Tại Thông tư này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc cấp phát, quản lý và sử dụng phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu ngành Thuế như sau:
Công chức và người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được cấp phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu để sử dụng khi làm nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư này. Công chức và người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu được cấp. Trường hợp để mất, hư hỏng phải báo cáo ngay bằng văn bản gửi cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Công chức và người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP khi không còn công tác trong ngành thuế (chuyển công tác đến các đơn vị không thuộc ngành thuế, nghỉ chế độ, xin thôi việc, bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc,...) phải nộp lại toàn bộ phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu đã được cấp. Nghiêm cấm việc cho mượn hoặc sử dụng phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu đã được cấp vào mục đích khác.
Tiêu chuẩn đối với công chức: Lễ phục: 02 bộ/5 năm.
a) Nam: 01 quần, 01 áo dài tay, 01 áo cộc tay.
b) Nữ: 01 quần, 01 váy, 01 áo dài tay, 01 áo cộc tay.
Áo sơ mi mặc trong bộ lễ phục dùng cho cả nam và nữ: 01 chiếc/2 năm (năm đầu được cấp 02 chiếc). Áo, quần thu - đông: 01 bộ/2 năm (năm đầu được cấp 02 bộ). Áo sơ mi mặc trong bộ trang phục thu - đông dùng cho cả nam và nữ: 01 chiếc/1 năm (năm đầu được cấp 02 chiếc). Áo chống rét may theo kiểu măng tô san cấp cho công chức nam và nữ công tác tại vùng khí hậu lạnh theo quy định của Chính phủ: 01 chiếc/3 năm.
Áo, quần xuân - hè: 01 bộ/1 năm (năm đầu được cấp 02 bộ).
a) Nam: 01 áo cộc tay, 01 quần.
b) Nữ: 01 áo cộc tay, 01 quần, 01 váy.
Mũ kê pi, mũ mềm: 02 chiếc/5 năm. Cravát (caravat): 01 chiếc/3 năm. Giầy da: 01 đôi/1 năm. Tất chân: 02 đôi/1 năm. Thắt lưng: 01 chiếc/2 năm. Phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu: Khi hỏng thì đổi.
Tiêu chuẩn đối với lao động hợp đồng: Người làm việc trong ngành thuế theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP như: bảo vệ, lái xe, phục vụ,... được cấp trang phục (khác với trang phục công chức) theo tiêu chuẩn như đối với công chức, gồm các loại trang phục sau:
- Áo, quần đồng phục: xuân-hè, thu-đông, lễ phục.
- Trang phục khác: thắt lưng, giầy da, tất chân, Cravát (caravat), áo chống rét.
Kiểu dáng và việc quản lý sử dụng trang phục đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định.
Kinh phí mua sắm: Vải và các nguyên liệu dùng để may sắm phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu đảm bảo chất lượng vừa bền vừa đẹp; tiêu chuẩn cụ thể do Tổng cục Thuế lập dự toán, Bộ Tài chính phê duyệt hàng năm. Trường hợp vải và các nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu trên thì báo cáo Bộ Tài chính cho mua từ nguồn khác. Về định mức tiêu chuẩn và đơn giá, giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định hàng năm. Kinh phí may sắm phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu ngành thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đảm bảo trong dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013.
Bãi bỏ Thông tư số 12 TC/TCT ngày 28/02/1991 của Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn về quản lý và sử dụng trang phục ngành thuế và Thông tư số 21 TC/TCT ngày 17/3/1995 của Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn bổ sung về quản lý và sử dụng trang phục ngành thuế.