Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2013 và thay thế Quyết định số 40/2005/TT-BXD ngày 17/11/2005 về việc ban hành QCXDVN 09:2005 “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Các công trình xây dựng năng lượng có hiệu quả”.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả qui định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên. Những quy định trong Quy chuẩn áp dụng cho lớp vỏ công trình (trừ lớp vỏ của các không gian làm kho chứa hoặc nhà kho không sử dụng điều hòa) và các trang thiết bị trong công trình (gồm: hệ thống chiếu sáng nội thất, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, thiết bị đun nước nóng, thiết bị quản lý năng lượng, thang máy và thang cuốn).
Theo đó, yêu cầu lớp vỏ công trình phải được thiết kế và xây dựng bảo đảm thông thoáng tự nhiên, đủ khả năng cách nhiệt và giảm thiểu gió lạnh, đủ khả năng chiếu sáng tự nhiên dưới các điều kiện thông thường, giảm thiểu bức xạ mặt trời xâm nhập vào bên trong công trình, lựa chọn vật liệu thích hợp làm tăng hiệu suất năng lượng cho công trình. Cụ thể, tất cả các tường bao ngoài công trình trên mặt đất phải có giá trị tổng truyền nhiệt lớn nhất Uo.max không lớn hơn 1,80 W/m2.K hoặc giá trị tổng nhiệt trở nhỏ nhất Ro.min không nhỏ hơn 0,56m2.K/W. Các loại mái nhà phải có giá trị tổng truyền nhiệt Uo không lớn hơn 1,00 W/m2.K hoặc giá trị tổng nhiệt trở Ro không nhỏ hơn 1,00 m2.K/W.
Về hệ thống thông gió tự nhiên: Phải có các lỗ thông gió có thể mở được phía trên trần hoặc trên tường với diện tích không nhỏ hơn 5% diện tích sàn. Tổng diện tích các cửa thoát gió không nhỏ hơn tổng diện tích các cửa đón gió. Khi sử dụng hệ thống thông gió cơ khí và điều hòa không khí phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Cảm biến CO2 phải được lắp đặt để làm tăng lượng gió cấp vào không gian với tiêu chuẩn diện tích thiết kế nhỏ hơn 3 m2/người; các quạt thông gió hoạt động thường xuyên phải có đồng hồ đo thời gian hoặc các thiết bị điều khiển tự động có thể xác định thời điểm và khoảng thời gian làm việc của chúng; các ống gió cấp và gió tuần hoàn phải đáp ứng được yêu cầu về ghép nối các ống dẫn gió và bảo ôn theo quy định hiện hành.
Đối với thang cuốn phải có thiết bị điều khiển để giảm tốc (phải chuyển sang chế độ chạy chậm sau khi không có người qua lại tối đa 03 phút) hay phải tự tắt sau khi không có người qua lại tối đa 15 phút và phải tự động chạy khi cần. Thang máy phải sử dụng động cơ điện xoay chiều đa thế, đa tần, trên thang máy không có thiết bị thủy lực; buồng thang máy sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, thang máy hoạt động ở chế độ không tải trong giờ thấp điểm.
Quy chuẩn cũng quy định các yêu cầu đối với hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối điện, hệ thống đun nước nóng trong công trình xây dựng.