Liên kết website

Đối thoại trực tuyến về Luật Đấu giá tài sản năm 2016

03/10/2017

Từ 9h đến 10h 30 hôm nay (3/10), bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp và ông Quản Văn Minh, Đấu giá viên, Chủ tịch Hội Đấu giá viên Thành phố Hà Nội đối thoại trực tuyến với độc giả về Luật Đấu giá tài sản trên baophapluat.vn. Cùng tham dự Chương trình, có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu thi hành từ ngày 1/7/2017 là một văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản, một lĩnh vực cũng còn khá mới mẻ ở nước ta.

Để độc giả có thể hiểu hơn về những quy định mới của Luật và dễ dàng tiếp cận với những quy định mới này, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (địa chỉ: baophapluat.vn)  phối hợp tổ chức buổi đối thoại trực tuyến giữa độc giả của Báo và các chuyên gia am hiểu về Luật Đấu giá tài sản.

Bạn đọc Trần Thị Thành ở Quảng Nam hỏi: Thưa bà Nguyễn Thị Mai, bà có thể cho biết hoạt động đấu giá tài sản là gì và Luật đấu giá tài sản điều chỉnh những vấn đề gì? Và đâu là điểm mới đáng chú ý nhất?

Bà Nguyễn Thị Mai:  Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này. Thuật ngữ đấu giá có nguồn gốc từ tiếng La tinh với nghĩa là những người tham gia trả giá từ thấp lên cao.

Ngày nay, ngoài phương thức truyền thống là đấu giá lên (người tham gia đấu giá trả giá từ thấp lên cao, tài sản được bán cho người trả giá cao nhất và trên giá khởi điểm) còn xuất hiện phương thức đặt giá xuống (đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho tới khi bán được tài sản) rất thuận lợi cho việc xử lý tài sản của tổ chức, cá nhân. Luật đấu giá tài sản là văn bản pháp lý đầu tiên có hiệu lực cao nhất điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam kể từ khi nghề đấu giá được khai sinh sau Cách mạng tháng tám.

Đây là luật hình thức quy định về trình tự, thủ tục, nên nội dung cốt lõi, linh hồn của Luật là các điều về trình tự thủ tục đấu giá. Ngoài ra, Luật cũng quy định về tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, thù lao dịch vụ đấu giá, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản và quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản…

Như trên đã nói, điểm nổi bật của Luật đấu giá tài sản là các quy định về trình tự thủ tục. Các quy định này vừa phải chặt chẽ nhằm bảo đảm hoạt động đấu giá  công khai, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia trả giá, nhằm tối đa hóa giá trị của tài sản đấu giá nhưng đồng thời cũng phải có tính linh hoạt để khuyến khích tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức đấu giá trong việc xử lý tài sản của mình, hướng tới một thị trường đấu giá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa. 

Bạn đọc Chu Văn Đức ở Kiên Giang hỏi: Đề nghị bà Nguyễn Thị Mai cho biết theo LĐGTS là những tài sản nào phải bán đấu giá và nguyên tắc đấu giá tài sản? So với trước đây thì có điểm gì mới?

Bà Nguyễn Thị Mai:  Như đã trình bày ở trên, Luật đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Việc tài sản nào phải bán thông qua đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nội dung. Hiện nay, pháp luật nội dung như Luật đất đai, Luật tần số vô tuyến điện, Luật khoáng sản, Luật thi hành án dân sự… đã quy định cụ thể, rõ ràng tài sản nào phải bán thông qua đấu giá, tài sản nào xử lý theo phương thức chỉ định. Tại Điều 4 Luật đấu giá tài sản đã liệt kê những tài sản mà theo quy định của pháp luật hiện hành phải bán thông qua đấu giá. Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật, khoản P, Điều 4 của Luật đã có quy định “quét” theo đó, các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì sẽ thực hiện đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật.

Nguyên tắc đấu giá tài sản quy định trong Luật được kế thừa các quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP nhưng đã được nâng tầm nhằm phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các đạo luật mới ban hành. Đặc biệt, một nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động đấu giá tài sản không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới là nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản đấu giá ngay tình trong Luật đã được nghiên cứu, thiết kế nhằm phù hợp với các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó lần đầu tiên pháp luật về đấu giá tài sản có quy định việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, hủy kết quả đấu giá thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật về tố tụng dân sự. Với các quy định như vậy, hy vọng tình trạng kiện tụng kéo dài sẽ dược giảm thiểu, quyền lợi của người trúng đấu giá sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hưng – Quảng Bình: Luật đấu giá tài sản quy định thế nào về tiêu chuẩn của đấu giá viên? So với trước đây thì có gì mới?

Ông Quản Văn Minh: Theo quy định luật đấu giá 2017, để trở thành đấu giá viên phải có 3 năm làm trong nghề thì mới được đi học tại học viện Tư pháp. Sau thời gian học 6 tháng, nếu hoàn thành chương trình và 6 tháng tập sự tại tổ chức đấu giá chuyên nghiệp hoặc trung tâm đấu giá của Sở Tư pháp và dự một kỳ thi nếu đạt thì mới trở thành đấu giá viên. Ngoài ra, người này phải là cử nhân luật, cử nhân kinh tế.

òn trong trường hợp đượcmiễn đào tạo nghề đấu giá thì phải là luật sư, quản tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên.

Bạn đọc Chu Đức Dũng ở Hà Nam hỏi: ông có thể cho biết vai trò của Hội ĐGTS trong việc hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản?

Ông  Quản Văn Minh:  Tình trạng quân xanh quân đỏ rất hạn chế, và xuất hiện ở một vài trường hợp tài sản có giá trị thấp.  Còn về phía đơn vị tổ chức đấu chuyên nghiệp, có những giải pháp sau để hạn chế tình trạng này: Công khai minh bạch, niêm yết công khai việc bán tài sản, thể hiện tại Điều 35 -37 Luật đấu giá tài sản. 

Trong quá trình xây dựng hồ sơ quy chế đấu giá, phải thực hiện đầy đủ quy trình Luật đấu giá đã quy định. Đặc biệt chú ý vấn đề con người, xây dựng được đội ngũ đấu gía viên có tâm, có tầm, có đạo đức trong nghề. 

 Bạn đọc Phương Hà (Hà Nội): Một phiên đấu giá như thế nào thì được công nhận là hợp pháp?

Ông Quản Văn Minh: Theo quy định luật Đấu giá tại Điều 4 quy định tài sản đấu giá là tài sản pháp luật quy định buộc phải bán qua thủ tục đấu giá. Thứ 2 là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn thông qua bán đấu giá. Như vậy, đối với tài sản buộc phải bán đấu giá, họ phải bắt buộc lựa chọn thông qua kênh đấu giá. Theo quy định của Luật đấu giá, việc tổ chức đấu giá phải theo quy trình mà luật quy định. Ngoài ra, người điều hành quy trình đấy phải là đấu giá viên.

Sau khi đấu giá xong, phải có biên bản của phiên đấu giá, phải bàn giao cho chủ tài sản, biên bản phải có chữ kỹ của đấu giá viên, người có tài sản…

Bạn đọc Trần Thuý Quỳnh ở Ninh Bình gửi câu hỏi tới bà Nguyễn Thị Mai: là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản, bà nhận định thế nào về tác động của Luật Bán đấu giá tài sản tới nền kinh tế và Cục Bổ trợ tư pháp đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Luật này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai: Có thể khái quát tác động của Luật đấu giá tài sản ở một số nội dung chính sau:

-  Thứ nhất, đặc thù của thị trường đấu giá tại Việt Nam hiện nay là chủ yếu đấu giá tài sản mà theo quy định của pháp luật phải bán thông qua đấu giá. Việc lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý ở tầm luật với những quy định hết sức chặt chẽ về trình tự, thủ tục, đề cao trách nhiệm của người có tài sản, của đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản, tách bạch quy trình trước, trong và sau khi đấu giá và đặc biệt là những quy định riêng áp dụng đối với đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải xử lý thông qua đấu giá, bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến… sẽ là tiền đề đưa hoạt động đấu giá tài sản trở lên công khai, minh bạch, giảm thiểu tình trạng “quân xanh, quân đỏ” “thông đồng, dìm giá” trong hoạt động đấu giá, tránh thất thoát tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản (nhà nước, người phải thi hành án, các tổ chức tín dụng…).

-  Thứ hai, các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn đối với tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên cũng góp phần đưa hoạt động đấu giá của Việt Nam, tiệm cận các quy định về đấu giá tài sản của các nước có nghề đấu giá phát triển. Nhờ đó, hoạt động đấu giá tài sản sẽ chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

  Thứ ba, đấu giá nợ xấu, một trong những vấn đề đang rất “nóng” hiện nay được luật hóa cũng góp phần giúp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu một cách công khai, minh bạch, nhanh chóng, làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. 

Để triển khai có hiệu quả và đồng bộ Luật, trong thời gian qua Bộ Tư  pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Trình Thủ tướng ký ban hành Kế hoạch triển khai Luật, tổ chức hội nghị triển khai Luật đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình triển khai Luật, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản để đề xuất, kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp với Luật đấu giá tài sản… Có thể nói công tác triển khai Luật đã được thực hiện hết sức khẩn trương và kịp thời. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nắm bắt kịp những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn để đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

Bạn đọc Hà Quang Anh (Cần Thơ): Ông có nghĩ Luật Đấu giá tài sản có ngăn chặn được những hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá không?  

Ông Quản Văn Minh: Quy định của Luật đã hạn chế rất nhiều thành phần thông thầu, liên kết với nhau. Luật cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, như vấn đề niêm yết phải rõ ràng hơn, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Điều kiện tham gia đấu giá ngoài điều kiện theo luật nàythì còn có các quy định về luật chuyên ngành. Ví dụ bán đá quý phải có hồ sơ pháp lý của sản phẩm...

Đặc biệt  luật quy đinh về tiền đặt trước, tùy theo từng phiên đấu giá, mà sẽ ựa chọn mức tiền đặt trước.Nếu có dấu hiệu thông thầu, sẽ nâng số tiền đặt trước…

Tôi nghĩ cần xây dựng đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên uy tín của họ, xây dựng cơ chế tài chính hài hòa để đảm bảo quyền lợi cho đấu giá viên.

Bạn đọc Nguyễn Thị Cẩm ở Hà Giang hỏi:  Xin cho biết thêm về hình thức đấu giá trực tuyến? Ưu điểm và nhược điểm của hình thức đấu giá trực tuyến trong tình hình nước ta hiện nay? Làm thế nào để vận hành đấu giá trực tuyến được thuận lợi?

Bà Nguyễn Thị Mai: Đấu giá trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá được quy định tại Điều 40 của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, thay vì đâu giá bằng lời nói, bằng bỏ phiếu thì người tham gia dấu giá trả giá trên môi trường mạng thông qua trang đấu giá trực tuyến của tố chức đấu giá tài sản.

Ưu điểm của hình thức này là nó có tính bảo mật, tính công khai minh bạch rất cao, giảm thiểu tình trạng thông đồng dìm giá và có thể cho phép nhiều người ở tất cả các địa phương, địa điểm tham gia đấu gía cùng lúc.

Tuy nhiên, khó khăn là đồi hỏi tổ chức đấu giá tài sản phải có một cơ sở vật chất tốt, đặc biệt là phần mềm đấu giá trực tuyến hiện đại và đội ngũ nhân viên kỹ thuật để vận hành phần mềm này.

Trong bối cảnh Việt Nam, ngoài những tỉnh, thành phố lớn thì còn những tỉnh vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện tham gia đấu giá trực tuyến trên Internet còn khó khăn, chưa phổ biến cho nên, với những tỉnh này việc triển khai đấu giá trực tuyến chưa thực hiện được trong thời gian tới.

Hơn nữa, đấu giá trực tuyến còn quá mới mẻ ở Việt Nam nên cũng cần có thời gian để tổ chức, cá nhân, người có tài sản, người tham gia đấu giá tổ chức đấu giá tài sản nhận ra được tính ưu việt của hình thức này, để lựa chọn là hình thức đấu giá tài sản.
Bạn đọc Nguyễn Đức Nghĩa ở Đà Nẵng hỏi:  Xin cho biết biển số xe có phải là tài sản đấu giá không? Nếu tôi muốn có được một biển số xe đẹp thì tôi có cần phải tham gia đấu giá không?

Bà Nguyễn Thị Mai: Vấn đề đấu giá biển số xe đẹp đã được đặt ra từ những năm 2010 khi xây dưng Nghị định 17/2010/NĐ - CP. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc biển số xe có phải là quyền tài sản hay không. Luật Quản lý tài sản công vừa được Quốc hội ban hành đã quy định các loại kho số cũng là tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về đấu giá biển số xe đẹp để trình Chính phủ. Nếu Đề án này được thông qua, thì biển số xe cũng sẽ được đưa ra đấu giá. Khi đó, ông/bà có thể tham gia đấu giá để lựa chọn biển số mà mình mong muốn. 
Bạn đọc Nguyễn Bảo Sơn – Hà Tĩnh: Tại sao khi chuyển dịch tài sản, lại lựa chọn kênh đấu giá để chuyển nhượng tài sản của mình? 

Ông Quản Văn Minh: So với các hình thức mua bán tài sản khác, thì mua bán tài sản qua hình thức đấu giá có rất nhiều tính ưu việt: Nguyên tắc của việc đấu giá thể hiện tính công khai, dân chủ, và bảo vệ quyền, lợi ích của người bán và người mua.

- Đối với tài sản được đem bán đấu giá, bao giờ cũng được tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thẩm định về hồ sơ pháp lý, được cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ khoa học. Đấu giá viên như là một  “thẩm phán phòng ngừa.”

- Quyền và lợi ích hợp pháp của bên bán và mua được pháp luật bảo hộ. Ví dụ, tại Điều 7 Luật Đấu giá quy định: trường hợp có người thứ 3 tranh chấp tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình. 

- Đối với người mua tài sản qua kênh đấu giá, họ mua được tài sản áp giá thị trường, tài sản được bảo đảm về mặt chất lượng.  Ngoài ra, họ còn được bàn giao tàon bộ hồ hợp pháp lý.

- Đối với người bán, giá bán đấu giá được công khai,minh bạc, và là cơ sở để nộp thuế cho nhà nước. 

Bạn đọc Trần Hữu Tuấn, Kiên Giang hỏi: Vai trò của Hội đấu giá viên  trong việc thực thi Luật Đấu giá?

Ông Quản Văn Minh: Hiện nay, Hội đấu giá viên Hà nội mới được thành lập sau khi Luật Đấu giá ra đời.  Thành viên chính của  Hội là các đấu giá viên, họ có cùng đam mê, sở thích với nghề nghiệp của mình. Và trong nhiệm vụ của Hội, trong việc thực thi Luật đấu giá năm 2017, là lập những kế hoạch và xin ý kiến Sở Tư pháp để tuyên truyền về Luật Đấu giá tài sản cho người dân, hoặc tổ chức các buổi tọa đàm với các đấu giá viên của mình.

Hội cũng tổ chức nghiên cứu Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật liên quan để có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Bạn đọc Hoàng Quốc Việt (quận Long Biên, Hà Nội) hỏi: Xin cho biết những thuận lợi và khó khăn của địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện khác phục vụ cho việc doanh nghiệp đấu giá thực hiện chuyển đổi việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật đấu giá tài sản?

Bà Nguyễn Thị Mai: Thuận lợi thứ nhất là các Sở Tư pháp tại các địa phương nơi thực hiện việc đăng ký cho doanh nghiệp đấu giá tài sản đã có kinh nghiệm trong đăng ký cho các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng...

Thứ 2, là khung pháp luật, các quy định về đăng ký cũng như chuyển đổi doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động theo Luật doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình của Luật Đấu giá tài sản đã đầy dủ và rõ ràng.

Thứ 3, là Cục Bổ trợ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về các quy định mới của Luật Đấu giá tài sản trong đó chú trọng các quy định về đăng ký và chuyển đổi các doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Về khó khăn: Qua công tác kiểm tra nắm bắt tình hình tại các địa phương có thể thấy, khó khăn lớn nhất là về nhân lực để thực hiện nhiệm vụ mới này.

Ngoài ra, do còn chưa hiểu đúng và đầy đủ về Luật Đấu giá tài sản nên một số doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thành lập tại Sở Kế hoạch Đầu tư. Vấn đề này đỏi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch Đầu tư và cơ quan thuế, để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đăng ký hoạt động quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Độc giả Đào Thị Huyền Trang (Khánh Hòa, Nha Trang) hỏi: Xin cho biết thêm về phương thức đấu giá xuống?

Bà Nguyễn Thị Mai: Đây là một phương thức rất phổ biến trên thế giới nhằm bán được tài sản một cách nhanh nhất và rất có hiệu quả, được sử dụng rộng rãi như bán hoa ở Hà Lan, bán hải sản ở Nhật Bản hoặc bán các mặt hàng cần xử lý nhanh. Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về phương thực đấu giá xuống.

Luật Đấu giá tài sản lần đầu tiên đưa ra phương thức đấu giá này, theo đó, đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi có người chấp nhận mức giá mà đấu giá viên đưa ra.

Phương thức này chỉ áp dụng đối với đấu giá tài sản của tổ chức cá nhân nhằm tạo ra cơ chế linh hoạt cho người có tài sản sử lý nhanh tài sản của mình, không áp dụng đối với tài sản theo quy định của pháp luật là phải bán thông qua đấu giá.

Hiện nay ở Việt Nam, phương thức này hầu như chưa được sử dụng mà chỉ phổ biến đấu giá theo phương thức trả giá lên.

Bạn đọc Tô Lan Phương, Thừa Thiên Huế hỏi: Tôi mua tài sản đấu giá là 1 mảnh đất đã 3 năm nay. Do vướng mắc trong quá trình thi hành án, tôi không được giao tài sản, ai sẽ là người phải bồi thường cho tôi? 

Ông Quản Văn Minh: Giả sử, Việc mua tài sản đấu giá của bạn được thực hiện  đúng quy định trình của pháp luật về đấu giá tài sản (Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật khác liên quan), việc ký kết hợp đồng đó theo Khoản a Điều 26 Nghị định 17: Tài sản để thi hành án thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên có thẩm quyền xử lý tài sản đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. 

Câu hỏi của bạn chưa thể hiện được việc không bàn giao tài sản nguyên nhân do đâu. Cần phải xác định được nguyên nhân, qua đó mới xác định được người phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật. 

Độc giả Cao Thu Loan (Việt Trì, Phú Thọ) hỏi: Những khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ gặp khi triển khai Luật đấu giá tài sản?

Bà Nguyễn Thị Mai: Luật Đấu giá tài sản có tác động lớn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và bao trùm lên nhiều hoạt động của xã hội vì vậy vẫn đề nhận thức đúng và đầy đủ vị trí vai trò của Luật Đấu giá tài sản để triển khai có hiệu quả và đồng bộ trong cuộc sống là một trong những thách thức.

Nói đến đấu giá, ngoài pháp luật về đấu giá tài sản còn có rất nhiều các văn bản pháp luật có liên quan như văn bản pháp luật về loại tài sản đưa ra đấu giá, quy định về định giá tài sản trước khi đưa ra đấu giá, quy định về chuyển giao tài sản sau khi đấu giá thành... Vì vậy, bên cạnh việc đã hoàn thiện khung pháp luật về đấu giá cần hoàn thiện khung pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hoạt động đấu giá tài sản.

Khó khăn thứ 3 là hoạt động đấu giá tự nguyện (đấu giá thương mại) ở Việt Nam hầu như chưa phát triển do tâm lý của người có tài sản không muốn công khai tài sản đó, việc ngại thực hiện các thủ tục để đưa tài sản ra đấu giá... Điều này ảnh hưởng tới việc phát triển một thị trường đấu giá chuyên nghiệp như ở các nước phát triển, nơi hình thức xử lý tài sản thông qua đấu giá đã trở nên rất phổ biến.

Bạn đọc Nguyễn Tuyết Anh ở Nam Định hỏi: Xin cho biết biển số xe có phải là tài sản đấu giá không? Nếu tôi muốn có được một biển số xe đẹp thì tôi có cần phải tham gia đấu giá không?

Bà Nguyễn Thị Mai: Vấn đề đấu giá biển số xe đẹp đã được đặt ra từ những năm 2010 khi xây dưng Nghị định 17/2010/NĐ - CP. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc biển số xe có phải là quyền tài sản hay không. Luật Quản lý tài sản công vừa được Quốc hội ban hành đã quy định các loại kho số cũng là tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về đấu giá biển số xe đẹp để trình Chính phủ. Nếu Đề án này được thông qua, thì biển số xe cũng sẽ được đưa ra đấu giá. Khi đó, ông/bà có thể tham gia đấu giá để lựa chọn biển số mà mình mong muốn.

Bạn đọc Trang amy địa chỉ email: trangtrang@gmail.com hỏi:  Khoản 1, Điều 23, Luật đấu giá tài sản quy định: "1. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan". Tôi muốn hỏi tại sao chỉ có doanh nghiệp tư nhân với công ty hợp danh được kinh doanh đấu giá, còn các hình thức khác như công ty TNHH với cổ phần lại không được. Quy định này có phải là hạn chế tự do kinh doanh hay không?

Bà Nguyễn Thị Mai: Quy định của Luật Đấu giá tài sản là không hạn chế quyền tự do kinh doanh. Vấn đề này đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ trong quá trình xây dựng Luật.

Đấu giá tài sản là một hoạt động bổ trợ tư pháp, cũng như các hoạt động bổ trợ tư pháp khác và thông lệ đấu giá tài sản quốc tế thì các doanh nghiệp đấu giá tài sản phải chịu trách nhiệm vô hạn về hoạt động của mình. Như vậy, chỉ có doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đáp ứng được quy định này.

Quy định của Luật Đấu giá tài sản cũng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì theo Điều 3, Luật Doanh nghiệp, thì trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.

Kính thưa Quý độc giả!

Trong khoảng thời gian từ 9h đến 10h 30 sáng nay (3/10), hai vị khách mời của Chương trình là bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp và ông Quản Văn Minh, Đấu giá viên, Chủ tịch Hội Đấu giá viên Thành phố Hà Nội đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của độc giả về những quy định mới của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cũng như quá trình đưa Luật Đấu giá tài sản vào cuộc sống.

Những câu hỏi độc giả đang tiếp tục gửi về hoặc chưa được các chuyên gia trả lời, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bà Nguyễn Thị Mai và ông Quản Văn Minh để có phản hồi tới quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý độc giả!


 

Các tin đã đưa ngày: