Thứ nhất, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện: Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh hoặc theo thẩm quyền, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi địa phương thực hiện tiêu chí thành phần 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh. Nghiên cứu, đề ra các giải pháp, biện pháp để thực hiện có hiệu quả 05 tiêu chí thành phần về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luậtvà hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan.
Thứ hai, phổ biến, quán triệt, truyền thông Quyết định số 619 và các văn bản có liên quan: Giao Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới của tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619 đến cán bộ, công chức chủ chốt của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị và nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trước hết là các xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong các năm từ 2017 đến 2020.
Công tác truyền thông, phổ biến được thực hiện thông qua các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn: biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, tập huấn…
Xây dựng chuyên mục, tổ chức thông tin, bài viết phổ biến hướng dẫn về việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp tham mưu UBND tổ chức các hội nghị quán triệt Quyết định số
619 và Quyết định 699/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp với nội dung, hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân và nhất là đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện; công chức Tư pháp – Hộ tịch; tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở.
Thứ ba, thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật: Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn, giúp Chủ tịch UBND chỉ đạo việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức đánh giá, công nhận, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hằng năm theo đúng quy định. Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Ủy viên Hội đồng, gồm: Đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có liên quan đến đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Văn phòng HĐND và UBND, Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện; mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện làm Ủy viên Hội đồng.
Thứ tư, triển khai đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật: Việc triển khai đánh giá, chấm điểm phải đảm bảo nội dung 05 tiêu chí, tổng điểm, điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quy định tại Điều 5, Điều 6 Quyết định số
619 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12.
Thứ năm, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả; chọn triển khai mô hình điểm cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tại địa phương; đánh giá chất lượng việc triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong giai đoạn 2017 – 2020, chọn điểm (mỗi năm ít nhất 01 xã) để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020kèm theo Quyết định số 2288/QĐ-BTP ngày 31/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Thứ sáu, bảo đảm nguồn lực và điều kiện cần thiết trong triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành thống kê, rà soát số lượng và trình độ chuyên môn của các công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch kiện toàn số lượng và trình độ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch và hướng dẫn cấp dưới tổ chức kiện toàn và cử công chức tham dự đào tạo để đảm bảo việc bố trí công chức quản lý, theo dõi thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức làm công tác tư pháp.
Để bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Hằng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí bổ sung cho hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Tư pháp) để tham mưu UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với địa phương xây dựng mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố, ngoài khoản kinh phí bố trí cho hoạt động xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc thẩm quyền cấp huyện, cần ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các đơn vị cấp xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành./.