Liên kết website

Nhiệm vụ và giải pháp thực thi Luật Tiếp cận thông tin – Công cụ bảo đảm quyền “được biết” của nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai

01/11/2019

“Quyền tiếp cận thông tin” là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 , Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta, lần đầu tiên “quyền được thông tin” đã ghi nhận là quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 . Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa quy định về “quyền được thông tin” trong Hiến pháp năm 1992 và phát triển thành “quyền tiếp cận thông tin” của công dân . Như vậy, tiếp cận thông tin là một quyền hiến định, khẳng định rõ quyền của công dân trong việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khi họ có nhu cầu tìm kiếm, khai thác và tiếp cận thông tin.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thông tin của công dân ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (như: Thông tin về quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chính sách hỗ trợ xã hội, chính sách giáo dục...). Ngày 06/4/2016, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật tiếp cận thông tin năm 2016[1] - tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tiếp cận thông tin được hiểu là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước tạo ra gồm: (1) Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và phải công khai; (2) Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện[2]; trừ các thông tin không được tiếp cận[3] theo quy định của Luật. Các cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo việc thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016[4]; các văn bản hướng dẫn thi hành[5]; Kế hoạch số 5072/KH-UBND ngày 03/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong bài viết này, tác giả đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định về “quyền tiếp cận thông tin của công dân”:
Các cơ quan hành chính nhà nước cần xác định rõ, đúng phạm vi, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc thực thi “Quyền tiếp cận thông tin” là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể chủ động, xác định nhiệm vụ đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quán trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Lấy người dân là mục tiêu, là thức đo hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. các hoạt động tuyên truyền, phổ biến phải bám sát thực tế, xác định mục đích của việc phổ biến là để người dân biết và hiểu được quyền tiếp cận thông tin của mình.
Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung trọng tâm của Luật để cán bộ, công chức, viên chức, đặt biệt là người dân biết và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Nhiệm vụ này bao hàm cả việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, nhất là ở cơ sở.
Thứ hai, các cơ quan hành chính nhà nước cần điều chỉnh hoạt động của cơ quan, đơn vị mình gắn với nhiệm cung cấp thông tin theo quy định:
Tổ chức thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, trách nhiệm để đảm bảo mọi công dân có thể dễ dàng, thuận lợi nhất trong việc tiếp cận thông tin thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện “Quy chế cung cấp thông tin cho công dân” theo đúng các quy định. Quy chế cung cấp thông tin cho công dân phải được xây dựng, ban hành và công khai theo đúng các quy định hướng dẫn, phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị; để việc thực hiện được tổ chức đúng trình tự, quy định, khoa học và minh bạch.
Thứ ba, sửa đổi, thay thế kịp thời các văn bản không còn phù hợp, cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân:
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản pháp luật (bao gồm cả văn bản quy phạm và văn bản hành chính) đã ban hành trước thời điểm Luật có hiệu lực trở về trước, nhất là các văn bản có chứa đựng các quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, các quy định có nội dung trái với quy định của Luật.
Đồng thời, việc tổ chức và thực hiện các quy định của Luật này chỉ phát huy được tính toàn diện khi gắn việc thực hiện các trách nhiệm được quy định tại luật này với việc thực hiện đồng bộ với các quy định có liên quan (đảm bảo tỉnh minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật, trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền giám sát, quản lý xã hội của người dân ở cơ sở; nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…) trong các Luật khác như: Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; các Luật tổ chức (Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền địa phương…).
Thứ tư, tăng cường ứng dung công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin:
Trong xu thế phát triển của ngành công nghệ thông tin, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng cộng nghệ thông tin để cung cấp nhanh gọn, đầy đủ, chính xác thông tin mà công dân yêu cầu trên các Cổng/Trang thông tin điện tử, Website, email; các cơ sở dữ liệu điện tử (về văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, thủ tục hành chính…); nghiên cứu, ứng dụng các tiện ích của các mạng xã hội, các cổng cung cấp dịch vụ trực tuyến để đăng tải danh mục các thông tin phải được công khai, cung cấp, trả lời trực tuyến thông tin theo thời gian thực; duy trì thường xuyên lịch cập nhật, đăng tải thông tin lên cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra dưới dạng số hóa bằng các định dạng phổ biến, có thể đọc ngay, không phải tải hoặc sử dụng các ứng dụng trung gian…
Thứ năm, nâng cao hiệu lực thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước:
Song song với các nhiệm vụ, giải pháp trên, một vấn đề nữa cần xem xét là năng lực thực thi công vụ và chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Công dân chỉ dễ dàng tiếp cận thông tin khi các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, hiệu lực, lấy nhân dân là mục tiêu để phục vụ; khi đó các thông tin sẽ được minh bạch, công khai, cung cấp nhanh chóng và đầy đủ. Nếu chất lượng và năng lực ngược lại, thì quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ bị hạn chế, khó thực hiện.
Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu, thách thức mới. Để xây dựng một đất nước “Việt Nam giàu mạnh”. Song song với quá trình xây dựng và tạo lập niềm tin, lấy sức dân làm động lực trong phát triển đất nước. Cần hiện thực và phát huy tối đa các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, để đúng với phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”. Đồng thời, tăng cường cơ chế để Nhân dân giám sát được sự minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực thi công vụ… và trước hết là thông qua việc được đảm bảo “Quyền tiếp cận thông tin của công dân” một cách thực chất, toàn diện.
- Hồ Đại Đồng -
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật có liên quan;
- Đặc san Tuyên truyền pháp luật số 07/2016 do Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương biên soạn, ấn hành và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp với chủ đề: Pháp luật về tiếp cận thông tin.
 
[1] Luật số 104/2016/QH13 ngày 06/4/2016 - Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018;
[2] Được quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
[3] Được quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
[4] Luật số 104/2016/QH13 ngày 06/4/2016 - Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018;
[5] Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thôn tin; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Các tin đã đưa ngày: